Vài năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng xuất hiện tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã mang đến “luồng gió lạ” thu hút du khách và cải thiện đời sống cho một bộ phận cư dân. Tuy nhiên, hiện nay loại hình này mới manh nha, phát triển tự phát, đơn thuần khai thác yếu tố tự nhiên mà không gắn được mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường.
NHỮNG LUỒNG GIÓ MỚI
Cánh đồng cừu Suối Nghệ (thôn Hữu Phước, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) hình thành hơn 4 năm nay và trở thành địa điểm chụp hình yêu thích của nhiều người. Chị Đặng Thị Diệu (thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành), chủ đàn cừu gần 200 con đang chăn thả tại đây cho biết, trước đây chị chăn bò, dê, cừu mướn cho người trong thôn. Từ năm 2012, nhận thấy việc nuôi cừu lấy thịt mang lại thu nhập ổn định, chị mua cừu gây đàn. Khi tuyến đường Phước Tân - Đá Bạc - Hội Bài nối từ Xuyên Mộc qua Châu Đức ra Quốc lộ 51 và ngược lại hoàn thành, khách du lịch qua lại nhiều. Thấy bầy cừu chăn thả ven đường dễ thương, một số khách dừng lại xin chụp ảnh chung rồi đăng tải lên mạng. Hiệu ứng từ mạng xã hội kéo nhiều người hiếu kỳ đến xem và chụp ảnh. Nắm bắt cơ hội kinh doanh, chị Diệu vay ngân hàng 300 triệu đồng phát triển đàn cừu lên gần 200 con và tổ chức dịch vụ cho thuê cừu chụp ảnh có thu phí với mức 20 ngàn đồng/khách lẻ, 100 ngàn đồng/lượt/nhóm khách trên 40 người.
Khách tham quan vườn bưởi tại KDL sinh thái Giếng phun Đá Bạc thời điểm KDL này mới hoạt động, cuối năm 2016. |
Thời điểm năm 2015-2016, mỗi ngày có vài nhóm khách đến chụp ảnh. 2 ngày cuối tuần và 3 tháng hè, lượng khách tăng cao. Chị Diệu kể: “Có hôm tôi đón cả ngàn lượt khách. Xe ô tô loại 45 chỗ đậu dài cả cây số hai bên tuyến đường Phước Tân - Đá Bạc - Hội Bài. Thu nhập tối thiểu 2 triệu đồng/ngày, giúp tôi trả hết 300 triệu đồng vay ngân hàng và còn dư được đàn cừu 200 con”. Ngoài chị Diệu, khu vực chăn thả cừu thuộc thôn Hữu Phước còn có 3 đàn cừu nữa, mỗi đàn từ 150-200 con và các chủ đều tổ chức dịch vụ chụp ảnh chung với cừu. Anh Phạm Văn Khoa (thôn Hữu Phước, xã Suối Nghệ), 1 trong 3 hộ nuôi cừu cũng cho hay, thời điểm năm 2015-2016, mỗi ngày anh thu không dưới 1 triệu đồng từ dịch vụ cho khách thuê cừu, ngựa chụp hình.
Tại huyện Châu Đức, từ năm 2016 đến năm 2017, KDL sinh thái Giếng phun Đá Bạc (xã Đá Bạc) trở thành điểm đến mới của giới du lịch. Bà Lê Thị Cẩm Vân, đại diện Công ty TNHH Quyết Thắng, chủ đầu tư KDL sinh thái Giếng phun Đá Bạc cho biết, khu đất rộng hơn 10ha của gia đình gần 20 năm nay, chủ yếu trồng bưởi, xoài, dừa, sen, súng, chăn thả gà, heo, nuôi cá để cung ứng nguồn thực phẩm sạch và làm nơi thư giãn cuối tuần cho gia đình. Năm 2015, trong một lần thuê thợ đào giếng lấy nước tưới cây, vô tình đào trúng mạch nước ngầm, tạo thành mạch nước phun trào tự nhiên cao khoảng 20m. Tận dụng yếu tố này, gia đình bà đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục như: Nhà hàng, hồ cảnh quan, tiểu cảnh chụp ảnh, hệ thống lọc nước, tôn tạo cảnh quan, trồng thêm xoài, dừa phủ xanh khuôn viên và mở cửa đón khách du lịch. Thời điểm mới hoạt động, cuối tuần KDL sinh thái Giếng phun Đá Bạc thu hút rất đông khách đến vui chơi, tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức gà, heo thả vườn. “Nơi đây cũng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng”, bà Cẩm Vân nhớ lại.
NHƯNG SỚM THOÁI TRÀO
Theo Luật Du lịch 2017, du lịch cộng đồng được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi, bảo vệ bền vững giá trị tài nguyên, môi trường. Theo khái niệm trên, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu đang khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan vùng đất, nghề nghiệp của cư dân bản địa, đặc sản địa phương. Những người làm nghề cũng đạt được mục tiêu doanh thu, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ông Lý Đức Thắng, chủ bè hàu Năm Thắng (thôn 2, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) chia sẻ, bè hàu Năm Thắng đi vào hoạt động từ năm 2013 đến nay, lượng khách rất ổn định. Ngày thường, bè hàu đón từ 5-7 đoàn khách, ngày cuối tuần từ 20-30 đoàn với số lượng từ 200-300 người/ngày. Tương tự, các bè hàu xung quanh như: Đực Nhỏ, Long Sơn, Đực Khỉ (trên sông Rạng và sông Chà Và thuộc thôn 2, xã Long Sơn) cũng luôn tấp nập khách đến thưởng thức hải sản, tham quan khu nuôi cá lồng bè.
Một nhóm du khách thu hoạch hàu với người dân Long Sơn, TP. Vũng Tàu. |
Tuy nhiên, do chỉ dựa vào lợi thế địa hình tự nhiên, cảnh quan, vườn tược mà chưa có sự đầu tư chiều sâu gắn với khám phá trải nghiệm văn hóa bản địa nên sau một thời gian “nổi như cồn”, nhiều điểm đến dần vắng khách. Du khách biết đến ngày càng nhiều và kéo về chụp ảnh đông đúc cùng đàn cừu Suối Nghệ đã gây ra những hệ lụy như: Xe dừng, đỗ ven đường gây cản trở giao thông. Nhiều hàng quán giải khát, ẩm thực tự phát ăn theo phục vụ khách đến chụp ảnh mọc lên tạm bợ, thiếu công trình vệ sinh. Đồng thời, du khách thiếu ý thức, xả rác bừa bãi khiến bộ mặt khu vực nhếch nhác; gia súc chăn thả rông, phóng uế ra môi trường gây mất vệ sinh. Phần đất chăn thả cừu thuộc dự án KCN-đô thị Châu Đức nên tâm lý chung của người kinh doanh là làm được ngày nào hay ngày nấy mà không quan tâm tái tạo cảnh quan, chăm chút thái độ phục vụ. Bên cạnh đó, những người kinh doanh thu phí chụp ảnh của khách nhưng không có hóa đơn, chứng từ nên chỉ mang lại lợi nhuận cho người kinh doanh, còn nhà nước không thu được gì. Giờ đây, phong trào chụp ảnh sau một thời gian rầm rộ đang thoái trào. “Có hôm chẳng có khách nào ghé chụp ảnh”, chủ một đàn cừu than thở. “Cừu không được ăn uống, chăm sóc đầy đủ, lại phải đi qua đi lại cho khách chụp ảnh nên nhiều con gầy trơ xương, trông rất tội nghiệp. Khu vực thả cừu giữa đồng nắng cháy, mưa thì lầy lội, chẳng có gì ấn tượng”, du khách Nguyễn Thị Minh Nguyệt (đến từ TP.Hồ Chí Minh) nói.
Cuối năm 2016, KDL sinh thái Tứ Phương Thất Đảo (ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) khai trương với các loại hình tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn, chèo thuyền, ngắm cảnh và ăn uống trong khung cảnh đồng quê. Trong suốt năm 2017, vào 2 ngày cuối tuần, KDL luôn nườm nượp khách. Mùa hè và dịp lễ, Tết, nếu khách không đặt trước sẽ không có chỗ. Doanh thu ngày cao điểm hơn 30 triệu đồng/ngày. Thế nhưng, thời điểm này, mỗi ngày KDL chỉ đón vài khách đến ăn uống, cơ sở vật chất xuống cấp. Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc OSC Việt Nam Travel, nhớ lại: Ban đầu khi KDL này mới đi vào hoạt động, OSC Việt Nam Travel đã khảo sát, đưa vào tour và đưa nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan vườn trái cây, ăn uống, trải nghiệm đồng quê. “Tuy nhiên, có hôm chúng tôi phải hủy tour, cáo lỗi và bồi hoàn cho khách vì để khách chờ hơn 1 tiếng vẫn chưa được sắp xếp chỗ ngồi, thức ăn. Gần đây, chúng tôi không dám đưa khách đoàn đến đây nữa vì sợ bể tour”, bà Nguyễn Thị Thương cho hay.
Thời điểm mới khai trương, KDL sinh thái Bưng Bạc (ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP.Bà Rịa) thu hút đông khách nhờ khai thác cảnh quan và các trò chơi gắn với đồng quê. Trong ảnh: Một nhóm khách của OSC Việt Nam tát mương bắt cá tại KDL sinh thái Bưng Bạc. |
Công ty CP Sonadezi Châu Đức, chủ đầu tư KCN - Đô thị Châu Đức đang tích cực triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật nhằm đẩy mạnh mời gọi thu hút đầu tư vào dự án. Đến nay, tổng diện tích đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng là 866ha, tổng diện tích cho thuê và giữ đất đạt 258ha và 5.600m2 nhà xưởng cho thuê. Việc các hộ chăn thả cừu sử dụng phần đất của dự án để thả gia súc, thường xuyên tập trung đông người và xe ở đây gây mất an toàn giao thông, ANTT, làm xấu hình ảnh môi trường đầu tư và làm chậm thời gian thi công hạ tầng kỹ thuật. Chúng tôi đã nhiều lần vận động các hộ dân di dời đàn gia súc ra khỏi phạm vi dự án nhưng không hiệu quả. (Ông Trương Thanh Hiệp, Ngoài các điểm du lịch kể trên, gần đây trên địa bàn tỉnh đang phát triển một số mô hình du lịch gắn với nông nghiệp như: HTX Nông nghiệp Thái Dương (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) trồng bơ; Nông trại ứng dụng công nghệ cao UDEC ECO Farm trồng dưa lưới (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức); trang trại Nhật Lan (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ); các nhà vườn trái cây thuộc huyện Xuyên Mộc... |
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA