NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM

Kết nối đưa nông sản vào siêu thị

Thứ Ba, 16/10/2018, 18:48 [GMT+7]
In bài này
.

Một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định, có thể gia tăng giá trị cho nông sản BR-VT chính là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, đây vẫn là “cánh cửa hẹp” do đa số nông sản chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm mật ong của cơ sở mật ong Anh Tiến (huyện Châu Đức) tại Tuần lễ trưng bày, giới thiệu và kết nối giao thương hàng hóa do Sở Công thương phối hợp với Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu tổ chức từ ngày 11 đến 14-10-2018.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm mật ong của cơ sở mật ong Anh Tiến (huyện Châu Đức) tại Tuần lễ trưng bày, giới thiệu và kết nối giao thương hàng hóa do Sở Công thương phối hợp với Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu tổ chức từ ngày 11 đến 14-10-2018.

Từ sau khi ký được hợp đồng với Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu, đều đặn 2 ngày/lần, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ (phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) lại giao khoảng 1 tạ trái cây cho siêu thị. Bà Nguyễn Thị Âu Cơ, Giám đốc Công ty cho biết, mặc dù mới cung ứng hàng cho siêu thị được gần 1 năm nhưng sức tiêu thụ trái cây của công ty khá ổn định. Các loại trái cây cung cấp cho siêu thị chủ yếu là dưa lưới, bơ, bưởi. Dưa lưới do công ty sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, còn bơ và bưởi, công ty liên kết với các hộ nông dân đã trồng theo phương pháp hữu cơ. Ngoài Lotte Mart, trái cây của công ty cung cấp ổn định cho một số cửa hàng thực phẩm tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh. 

Tại Tuần lễ trưng bày, giới thiệu và kết nối giao thương hàng hóa (diễn ra từ ngày 11 đến 14-10 tại Siêu thị Lotte Mart), HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) và Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu đã ký thỏa thuận sơ bộ về việc phân phối sản phẩm tiêu muối của HTX. Anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX cho biết, sau khi hoàn tất các thủ tục, sản phẩm tiêu muối của HTX sẽ chính thức lên kệ tại siêu thị. Đây là tín hiệu vui vì các sản phẩm tiêu của Bầu Mây có thêm kênh phân phối.

2 DN, HTX kể trên kết nối đưa hàng hóa được vào siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại đều có điểm chung là quy trình sản xuất được chuẩn hóa theo một tiêu chuẩn nhất định như VietGAP hoặc hữu cơ. Đây cũng là 2 đơn vị đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, có vùng sản xuất lớn bảo đảm được nguồn cung ổn định. 

Thời gian qua, Sở Công thương, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung - cầu nhằm tạo cơ hội cho DN, HTX tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Các chương trình kết nối đã tạo cơ hội cho 3 nhà: nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối gặp nhau. Qua đó một số DN, HTX đã kết nối đưa được sản phẩm lên kệ của các nhà phân phối. Mặc dù vậy, tỷ lệ hàng hóa nội tỉnh “góp mặt” trong hệ thống bán lẻ hiện đại, siêu thị đóng chân trên địa bàn tỉnh vẫn khá khiêm tốn, chỉ từ 20-25%. Khảo sát tại Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu cho thấy, rau, củ, quả sản xuất tại BR-VT chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng mặt hàng này tại siêu thị. Theo anh Trần Thanh Toàn, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu, chất lượng sản phẩm của tỉnh đã được nâng lên, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là các DN cung ứng hàng hóa cho siêu thị vẫn còn nhỏ lẻ, nhiều đơn vị chưa có tư cách pháp nhân để giao dịch, mua bán. Đại diện Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu cũng cho biết, sản phẩm sản xuất tại BR-VT tại siêu thị rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu luôn tạo cơ hội để các nhà sản xuất đưa các sản phẩm an toàn đến tận tay khách hàng. Tuy nhiên, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn chọn lựa hàng hóa của DN như bảo đảm chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, đa số nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ.

Anh Trần Thanh Toàn, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu (phải) tìm hiểu sản phẩm trái cây của Trang trại Minh Quang.    Ảnh: ĐÔNG HIẾU ►
Anh Trần Thanh Toàn, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu (phải) tìm hiểu sản phẩm trái cây của Trang trại Minh Quang.

Để giải quyết căn cơ thực trạng trên, các địa phương cần chủ động có những giải pháp thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi... Ngoài ra, công tác kết nối cung - cầu cũng cần chặt chẽ hơn. Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và trợ giúp người sản xuất về mặt chứng nhận ATTP. Về phía các cơ sở sản xuất, phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, tự thân vận động để đưa hàng vào siêu thị như hiện nay. Anh Võ Đông Phương, Phó Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh cho biết, các hoạt động XTTM chỉ là cầu nối để DN, HTX trưng bày, quảng bá sản phẩm đến nhà phân phối, người tiêu dùng. Qua đó, nhà phân phối sẽ đánh giá chất lượng, khả năng cung ứng sản phẩm. Còn các nhà sản xuất, cung ứng cần chuyên nghiệp hơn trong sản xuất để sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng, tăng sự liên kết để tạo ra chuỗi giá trị và chủ động hơn nữa trong việc liên hệ với các nhà bán lẻ để tìm kiếm cơ hội hợp tác chứ đừng chờ các nhà bán lẻ tìm đến.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.