Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài tăng là nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường ven biển ngày càng cạn kiệt. Hiện nay, nhiều giải pháp đang được các cơ quan chức năng thực hiện nhằm bảo vệ phát triển nguồn lợi thuỷ sản tại các ngư trường trong nước.
Việc đánh bắt tận diệt làm suy giảm nguồn lợi thuỷ sản về số lượng lẫn chủng loại loài. Trong ảnh: Phân loại cá tại cảng Incomap, phường 5, TP.Vũng Tàu. |
Theo ông Huỳnh Cấy (60/22/2A Bạch Đằng, phường 5, TP.Vũng Tàu), chủ 2 tàu cá lưới vây cho biết, trước đây, mỗi chuyến biển 1 tháng có thể đánh được từ 20-25 tấn cá các loại. Nhờ đó, ông thu lãi 100 triệu đồng, mỗi bạn tàu cũng được 20-25 triệu đồng/ chuyến. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2017 đến nay sản lượng đánh bắt liên tục giảm mạnh. Hiện nay, trung bình mỗi chuyến biển chỉ thu được khoảng 13-15 tấn cá, trong đó cá tạp chiếm 30-40%.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 3.200 tàu đánh bắt xa bờ. 9 tháng năm 2018, sản lượng đánh bắt hải sản trên toàn tỉnh khoảng gần 262 ngàn tấn. Tuy nhiên, tổng trữ lượng thuỷ sản tại các ngư trường chính của nước ta như ngư trường vịnh Thái Lan, vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đang suy giảm nghiêm trọng. Không những suy giảm về trữ lượng, các loại hải sản đánh bắt được trên biển còn thay đổi về chủng loại. Một số loài cá có giá trị kinh tế cao và được đánh bắt nhiều trước đây như cá sửu, cá ngộ, cá thiều giờ đã không còn nhiều, thậm chí cạn kiệt. Lượng hải sản chưa trưởng thành nhưng đã bị khai thác khá lớn, chiếm khoảng 30-40%. Bên cạnh đó, đánh giá của cơ quan chức năng cũng cho thấy, sản lượng hải sản khai thác mấy năm gần đây đã gần đạt đến ngưỡng cho phép khai thác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài ở nước ta tăng lên. Ông Văn cho biết thêm: “Nguyên nhân lớn nhất của việc nguồn lợi thuỷ sản ở các ngư trường trong nước suy giảm là việc đánh bắt tận diệt. Cụ thể là các loại tàu có mắt lưới nhỏ, đánh bắt gần bờ như lưới kéo vẫn còn khá nhiều. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 1.600 tàu lưới kéo, chiếm tỷ lệ 25% so với tổng số tàu đánh bắt trên địa bàn tỉnh. Ngư dân đánh bắt cá vào mùa di cư sinh sản của cá khiến các loài này không thể phục hồi”.
Tổng cục Thủy sản thường xuyên mở các lớp tập huấn, phổ biến thông tin về các quy định và biện pháp bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản cho cơ quan chức năng các tỉnh ven biển. |
Để giải quyết tình trạng trên, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã có những biện pháp quyết liệt. Nhằm nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản, thời gian qua tỉnh BR-VT đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản như: chính sách hỗ trợ lãi suất, Chính sách chuyển đổi ngành nghề, chính sách đối với HTX… Đồng thời, quản lý tài nguyên biển được tăng cường và gắn với đẩy mạnh khai thác đánh bắt hải sản xa bờ; không tham gia đánh bắt vùng biển của các nước khác trái quy định, đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Theo ông Nguyễn Bi, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục Thuỷ sản tỉnh, ngoài các biện pháp tuyên truyền và hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi hình thức đánh bắt, hiện nay tỉnh đã nghiêm cấm đóng mới và sửa chữa tàu lưới kéo. Nhờ đó, trong 2 năm, số tàu lưới kéo trên địa bàn tỉnh đã giảm được khoảng 300 chiếc. “Ðể bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cơ quan chức năng đã tiếp tục tăng cường công tác hoạt động kiểm ngư trên các vùng biển ngoài khơi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung vào công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Việc quy định đánh bắt theo mùa đối với từng loại hải sản cũng đã được triển khai thực hiện để tránh mùa di cư sinh sản của chúng. Ví dụ như cá thu ở vùng biển Côn Đảo bị cấm đánh bắt vào các tháng 3, 4, 5 trong năm”, ông Nguyễn Bi nói.
Ông Trần Lê Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Tổng cục Thuỷ sản cho biết, hiện Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 đã quy định rõ ràng nhiều nhóm biện pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bền vững trên vùng biển nước ta. Cụ thể là nâng mức phạt trong việc vi phạm trong đánh bắt hải sản cao nhất có thể lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Đặc biệt, thay đổi lớn nhất là việc quản lý và bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản được chia sẻ cho cả người dân bằng các mô hình cộng đồng khai thác thuỷ hải sản. Người dân tham gia sẽ được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Bên cạnh đó, 5 năm một lần Tổng cục Thuỷ sản sẽ tiến hành điều tra biến động trữ lượng thuỷ sản tại các ngư trường trên vùng biển nước ta để điều chỉnh việc đánh bắt phù hợp và cấp giấy phép đánh bắt ven bờ.
Bài, ảnh: QUANG VINH