Nạo vét luồng Vũng Tàu - Thị Vải: Khó thực hiện trong năm 2018

Thứ Sáu, 12/10/2018, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Thông thường 3 tháng cuối năm là cao điểm mùa xuất khẩu. Đây cũng là lúc các tàu lớn cập cảng Cái Mép – Thị Vải “ăn hàng”. Tuy nhiên, do luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải chậm được nạo vét nên các DN cảng phải bỏ lỡ cơ hội này.

Tàu hàng chuẩn bị cập Cảng Dịch vụ Tổng hợp Hưng Thái (xã Phước Hòa, TX. Phú Mỹ). Ảnh: KHA SAN
Tàu hàng chuẩn bị cập Cảng Dịch vụ Tổng hợp Hưng Thái (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ). Ảnh: KHA SAN

Tàu trọng tải lớn khó cập cảng

Theo phản ánh của các DN cảng, để các tàu trọng tải lớn từ 100.000 tấn trở lên ra vào thường xuyên và chở đầy hàng thì luồng Vũng Tàu - Thị Vải cần độ sâu 15,5m. Tuy nhiên tại thời điểm này, mớn nước chỉ đạt độ sâu 13m, thậm chí có những đoạn chỉ đạt 11,9m. Đại tá Trần Hoài Nam, Tổng Giám đốc Cảng Tân Cảng – Cái Mép TCCT cho biết: Để bảo đảm cho các tàu có trọng tải lớn cập cảng an toàn, cần phải duy tu, nạo vét luồng để đạt độ sâu ở vùng nước trước bến đến 15,5m. Thế nhưng, hơn 1 năm nay luồng vẫn chưa được nạo vét. Hậu quả là một số hãng tàu đã từ chối đưa tàu lớn vào khai thác tại cảng vì lo lắng cho sự an toàn. Do đó, DN đề nghị tỉnh và các cơ quan chức năng sớm nạo vét luồng hàng hải, tạo điều kiện cho các DN cảng đưa tàu lớn vào khai thác.

 Tàu trọng tải lớn trên đường vào luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải để cập cảng CMIT.
Tàu trọng tải lớn trên đường vào luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải để cập cảng CMIT.

Ông Kunta Akira, Tổng giám đốc Công ty TNHH cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) phản ánh, tại thời điểm này, luồng đang bị bồi nhanh và có những khu vực chỉ đạt 12,6m. Trong khi đó, các tàu mẹ ra vào khu cảng Cái Mép có mớn nước khoảng 15m. Do không đủ độ sâu vào luồng, hãng tàu CMA, CGM đã phải hủy hơn 10 chuyến tàu mẹ vào Cái Mép.

Không chỉ có các DN cảng biển mà những DN làm nghề nạo vét cũng “như ngồi trên lửa”. Bà Lê Ngọc Diễm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ nạo vét Hưng Thịnh (73, Huỳnh Khương An, phường 3, TP.Vũng Tàu) cho biết: Hưng Thịnh đầu tư hơn 20 tỷ đồng mua  3 chiếc tàu xả đáy, nhưng phải nằm bờ suốt 2 năm nay do luồng tuyến cảng chưa được nạo vét. DN đang lâm vào cảnh “ngồi chơi xơi nước”. Nếu kéo dài tình trạng này thì  đến lúc phải bán tàu để trang trải nợ nần.  

Bàn giải pháp tháo gỡ

Trước phản ánh của các DN, cuối tháng 8-2018, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với Bộ TN-MT về vấn đề nạo vét luồng hàng hải. Tại buổi làm việc này, Bộ TN-MT đã đồng ý với đề xuất của tỉnh BR-VT giải pháp trước mắt là thực hiện đổ vật chất nạo vét trên bờ với diện tích 40ha, tại khu vực sát sông Mỏ Nhát (khu vực B, thuộc phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ). Hiện UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Sở GT-VT và các sở, ngành liên quan cần tiến hành ngay việc nạo vét ngay trong tháng 9-2018. Đồng thời sử dụng 40ha khu vực sát sông Mỏ Nhát để tiếp nhận và lưu trữ tạm thời vật chất nạo vét của công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu-Thị Vải trong 3 năm (2018, 2019 và 2020). 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc nạo vét vẫn còn “giậm chân tại chỗ”. Do nguồn gốc đất vị trí dự kiến tiếp nhận và lưu trữ tạm thời vật chất nạo vét luồng hàng hải là đất rừng phòng hộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý. Vì vậy, Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam phải phối hợp với Sở NN-PTNT, Ban Quản lý rừng phòng hộ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Công đoạn này phải đến tháng 2-2019 mới hoàn thành. 

Việc chậm triển khai nạo vét tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải khiến nhiều DN gặp khó khăn.
Việc chậm triển khai nạo vét tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải khiến nhiều DN gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Thi, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho biết: BR-VT là địa phương đầu tiên, duy nhất cả nước có quy hoạch điểm đổ bùn nạo vét. Trước đây, khu vực quy hoạch đổ bùn thải nằm ở khu A ngoài khơi Vũng Tàu (cách Vũng Tàu hơn 6 hải lý) do UBND tỉnh quản lý và cấp phép. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 51/2014/CP và Nghị định 40/2016/CP, việc đổ bùn, cát nạo vét xuống biển (nhận chìm ở biển) thì khu vực từ 3 hải lý trở ra sẽ do Bộ TN-MT quản lý. Điều này dẫn đến việc nạo vét bị ách tắc do vướng thủ tục cấp phép nhận chìm từ Bộ TNMT. 

Từ thực tế tại BR-VT, Cục Hàng hải Việt Nam đã tham mưu Bộ GT-VT trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Trong đó, đề xuất một số quy định đặc thù đối với các thủ tục về môi trường theo quy định hiện hành. Khi Nghị định được ban hành sẽ giảm một số thủ tục như: Đánh giá tác động môi trường nhiều lần; Sử dụng hồ sơ lập dự án nhận chìm ở biển lần đầu cho các lần tiếp theo đổ ra biển; Không phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển và đóng tiền sử dụng khu vực biển (đối với hoạt động nạo vét, duy tu bằng ngân sách Nhà nước). Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ TN-MT khẩn trương xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy định rõ các khu vực biển được sử dụng để làm nơi đổ chất nạo vét từ các luồng, lạch trong cả nước. 

Theo dự báo của UBND tỉnh, từ năm 2011 đến 2020 tổng khối lượng bùn nạo vét các dự án trên địa bàn dự kiến gần 70 triệu m3. Đến nay khối lượng bùn nạo vét đã vượt con số dự báo trên, bởi từ đầu năm 2018 dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được khởi công và riêng lượng bùn nạo vét để làm cảng cho dự án này đã lên tới hơn 14 triệu m3. Do đó, giải pháp tiếp nhận vật chất nạo vét trên bờ chỉ là mang tính tình thế. Về lâu dài, giải pháp đổ chất nạo vét ngoài biển vẫn là tối ưu mà tỉnh BR-VT cần thực hiện. 

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.