Sau gần 1 năm ngành hải sản Việt Nam bị EC phạt “thẻ vàng”, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng đã khiến tình hình vi phạm IUU (đánh bắt vùng biển nước ngoài và truy xuất nguồn gốc) đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài để EC trao lại tấm “thẻ xanh” cho hải sản Việt Nam vào tháng 1-2019.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 3.123 phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất trên 90CV. Trong năm 2017, BR-VT là một trong những địa phương có tình trạng tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài phức tạp với 71 vụ vi phạm, tình hình quản lý nguồn gốc hải sản cũng gặp nhiều khó khăn. Đến cuối tháng 10-2017, ngành hải sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu EC cảnh cáo “thẻ vàng”. Từ thời điểm đó đến nay, các sở, ban, ngành và địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng vi phạm IUU trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, trên phạm vi toàn tỉnh, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ như tổ chức các buổi tuyên truyền về các chính sách phát triển thủy sản, trong đó có việc ghi nhật ký khai thác thủy sản cho hàng ngàn ngư dân; tổ chức thanh tra ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác; bắt buộc chủ tàu cá và thuyền trưởng ký cam kết không khai thác thuỷ sản trái phép, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát trên nhiều tàu cá có chiều dài thân tàu từ 15m trở lên...
Lực lượng biên phòng tuyên truyền cho ngư dân hiểu và không vi phạm IUU. |
Về phía các địa phương có lượng tàu đánh bắt xa bờ đông như Long Hải, Phước Tỉnh (huyện Long Điền); Phước Hải, Lộc An (huyện Đất Đỏ); Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); phường Thắng Nhì, phường 11 và 12 (TP. Vũng Tàu) cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp như tuyên truyền cho ngư dân và tăng cường công tác quản lý đội tàu đánh bắt. Ông Phạm Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, chính quyền xã đã tổ chức các cuộc họp tổ dân cư, cung cấp bảng mẫu “Sổ nhật ký khai thác thủy sản” để các chủ tàu cá chủ động photo cung cấp cho thuyền trưởng thực hiện ghi nhật ký khai thác từng chuyến biển. Cán bộ phụ trách thuỷ sản cũng nhắc nhở chủ tàu ghi đầy đủ và nộp sổ nhật ký khai thác cho Ban Quản lý cảng khi tàu cập bến…
VẪN CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM
Ông Nguyễn Bi, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục Thuỷ sản tỉnh cho biết, dù tình hình vi phạm IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục. Số lượng tàu được lắp máy giám sát hành trình tăng lên nhưng cũng chỉ được chưa tới 1.000 tàu, chỉ chiếm khoảng 30% tổng số tàu xa bờ trên toàn tỉnh. Thậm chí, nhiều tàu có lắp máy định vị nhưng không mở 24/24 để giấu ngư trường. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn nhiều bất cập. Dù đã tích cực tuyên truyền nhưng nhiều ngư dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc ghi nhật ký khai thác. Điều này dẫn đến việc xác nhận chứng nhận nguồn gốc hải sản còn nhiều sai sót. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến EC chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn quen với tập quán đánh bắt tự nhiên nên việc chuyển sang hình thức khai thác công nghiệp, có trách nhiệm (chuẩn hóa về sản lượng, loại hải sản, có khai báo sổ sách, ngư trường) là không hề đơn giản.
Ngư dân phân loại cá tại Cảng INCOMAP, phường 5, TP.Vũng Tàu. |
Do đó, ngành thủy sản tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt. Ông Nguyễn Hữu Thành cho biết, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân hiểu được nếu hải sản Việt Nam bị “thẻ vàng” hay “thẻ đỏ” thì họ là những người chịu thiệt hại đầu tiên do không xuất khẩu được hải sản, vì vậy cần tuân thủ những quy định của nhà nước trong khi đánh bắt. Tỉnh cũng sẽ kiện toàn và xây dựng Văn phòng đại diện nghề cá tại các cảng cá với 4 lực lượng nòng cốt nhằm thắt chặt quản lý tàu cá xuất bến và hải sản nhập bến; xây dựng lộ trình, kế hoạch lắp đặt và thường xuyên kiểm tra, rà soát việc lắp đặt, sử dụng máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS… Ông Thành thông tin thêm: “Bên cạnh đó, không chỉ với mục tiêu gỡ “thẻ vàng” mà hướng đến phát triển ngành đánh bắt bền vững, tỉnh còn thực hiện một số biện pháp như khuyến khích đóng mới tàu cá vỏ thép, composite, triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu thuyền, hoạt động khai thác, lao động; ban hành các quy hoạch, quy định về phát triển nghề cá, đóng mới, sửa chữa tàu cá trên địa bàn tỉnh theo hướng bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản”.
Bài, ảnh: QUANG VINH