Chủ động phòng bệnh cho gia súc, gia cầm khi chuyển mùa
Giai đoạn chuyển từ mùa mưa sang mùa khô thời tiết thất thường, khiến sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm nên dễ bùng phát các loại dịch bệnh. Do đó, các hộ chăn nuôi cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Công nhân tại trang trại gà của ông Trần Văn Trường (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cho gà uống vắc xin. |
Ông Trần Văn Trường (thôn 1, xã Suối Rao, huyện Châu Đức), chủ trại gà công nghiệp 30 ngàn con cho biết, từ tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch hàng năm, thời điểm giao mùa Thu - Đông, trời mưa nắng thất thường, nhiệt độ thay đổi đột ngột trong ngày. Do đó, thời điểm này, sức đề kháng của gà thấp nhất trong năm, dễ mắc bệnh, đặc biệt là một số loại cúm. Tới đây, ông Trường sẽ nhập một lượng lớn gà giống để nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán nên tổng đàn sẽ tăng mạnh. Nếu xảy ra dịch bệnh, sẽ thiệt hại nặng nề. Vì vậy, ông Trường đã chủ động phòng ngừa dịch bệnh bằng cách phun thuốc sát trùng chuồng nuôi và tiêm vắc xin phòng các loại cúm cho gà.
Các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng cho biết, vừa qua, giá heo tăng lên mức kỷ lục, khoảng 52 ngàn đồng/kg nên người nuôi thu lãi trên 2 triệu đồng/ con. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh càng được người nuôi quan tâm thực hiện. Ngoài tiêm vắc xin phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm, nhiều người nuôi heo trên địa bàn tỉnh còn bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn nhằm tăng sức đề kháng cho heo.
Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh khoảng 5,7 triệu con. Trong đó, heo 403 ngàn con, trâu bò 50 ngàn con, dê cừu 127 ngàn con và gia cầm 5,11 triệu con. Nhằm phòng chống dịch bệnh trên động vật mùa Thu - Đông 2018, từ đầu tháng 9, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp như: Tổ chức 2 đợt tiêu độc khử trùng các chuồng trại chăn nuôi trong khu vực có nguy cơ cao và 1 đợt tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm (lở mồm long móng, dịch tả heo, tai xanh, cúm gia cầm); đồng thời quản lý, giám sát chặt việc vận chuyển, giết mổ động vật. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của các hộ chăn nuôi. “Thời gian tới, ngoài tổ chức các đợt xử lý môi trường và tiêm phòng, Chi cục còn tổ chức các lớp tập huấn, phát tờ rơi, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn phòng dịch bệnh để nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại đợt 3 và tiêm vắc xin dịch bệnh đợt 2 trên phạm vi toàn tỉnh để bảo đảm an toàn cho động vật trong mùa Thu - Đông 2018”, ông Trung thông tin.
Gần đây, dịch tả heo châu Phi bùng phát và lây lan mạnh ở Trung Quốc đã đe dọa đến ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng. Trước tình hình này, ông Trần Đức Quân, Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: “Để phòng chống dịch bệnh tả heo châu Phi và nhiều loại bệnh khác trên đàn vật nuôi trong thời điểm chuyển mùa, ngoài tiêm vắc xin, bà con cần thực hiện các biện pháp như: Tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi thường xuyên; bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho động vật; nhập giống nuôi tại các cơ sở uy tín và đã được kiểm định bởi cơ quan thú y, lúc mới nhập giống cần nuôi cách ly theo dõi, nếu ổn định mới nhập vào đàn; thực hiện quy tắc “cùng vào cùng ra” với các động vật nuôi lấy thịt; không nuôi chó mèo, hạn chế người ra vào chuồng trại vì đây là nguồn lây lan bệnh cơ giới; thường xuyên vệ sinh các phương tiện vận chuyển vật nuôi… Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Trạm thú y huyện nếu đàn vật nuôi có các biểu hiện bất thường để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời”.
Ngoài các biện pháp nêu trên, cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ, nhất là các kỹ thuật chăn nuôi sinh học, vừa giảm nguy cơ mắc bệnh của vật nuôi, vừa tăng chất lượng sản phẩm.
Bài, ảnh: QUANG VINH