Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công
Ngày 27-9, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9-2018. Đánh giá tại cuộc họp cho thấy, từ đầu năm đến nay, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tiến độ triển khai nhiều dự án đầu tư công còn chậm. Từ thực tế này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được bố trí vốn; đồng thời tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các DN để có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh…
CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ ĐẠT VÀ VƯỢT KẾ HOẠCH ĐỀ RA
Thi công dự án Trường TH Phước An (xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức). |
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: 9 tháng đầu năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (không tính dầu thô và khí đốt) tăng 8,45%; nông nghiệp tăng 4,32%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,97%; doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 13,64%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 10,51%...
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 34 dự án và điều chỉnh tăng vốn 14 dự án, với tổng vốn đăng ký 1,922 tỷ USD. Trong đó, có một số dự án quy mô đầu tư lớn như: Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm khí hóa lỏng LPG của Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc tại KCN Cái Mép (1,2 tỷ USD); Nhà máy giấy Marubeni tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (211 triệu USD), Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại KCN Châu Đức (82 triệu USD)… Ngoài ra, tỉnh cũng thu hút được 37 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 14.969 tỷ đồng; đồng thời cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 1.054 DN thành lập mới, với tổng vốn hơn 10.170 tỷ đồng.
Về thu - chi ngân sách, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 60.130 tỷ đồng (đạt 93,6% dự toán năm), tăng 22,3% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách 10.220 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 4.986 tỷ đồng (tăng 21,4%), chi thường xuyên 5.123 tỷ đồng (tăng 7,8%).
Các hoạt động GD-ĐT, y tế, văn hóa, TDTT, thông tin - truyền thông được triển khai đầy đủ, kịp thời. Các chính sách đối với người có công, người lao động, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng bảo trợ xã hội… được quan tâm và thực hiện tốt.
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG
Thi công dự án QL56 tuyến tránh Bà Rịa. Ảnh: THANH NGA |
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, dự báo tình hình kinh tế xã hội 3 tháng cuối năm của cả nước nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng sẽ tiếp tục ổn định. Các chính sách, giải pháp điều hành của Chính phủ được triển khai quyết liệt. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần được khắc phục, tháo gỡ như: Chỉ tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp vẫn còn thấp; tiến độ triển khai các dự án khởi công mới còn chậm; một số dự án đầu tư FDI giải ngân chậm…
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết: Năm 2018, TP.Vũng Tàu được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư 45 dự án với kế hoạch vốn 466,3 tỷ đồng. Đến nay, TP.Vũng Tàu đã giải ngân được 256,5 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch vốn. Dự kiến, đến hết năm 2018, thành phố sẽ giải ngân 426,81 tỷ đồng, đạt 91,5% kế hoạch vốn năm 2018. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, TP.Vũng Tàu đã tập trung công tác thu hồi đất, thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư, các hộ dân nằm trong vùng dự án. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn do một số hộ dân không hợp tác, không cho kiểm kê cây trồng, vật kiến trúc trên đất.
Một số địa phương khác như: Huyện Long Điền, Đất Đỏ… cũng phản ánh tiến độ đầu tư một số công trình bằng nguồn ngân sách không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng…
Theo đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án vướng mặt bằng nên không thể triển khai, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, những dự án gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, địa phương phải báo cáo về UBND tỉnh để có hướng xử lý kịp thời.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Trình nhấn mạnh, trong 3 tháng còn lại, các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được bố trí vốn khởi công mới. Đồng thời, tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các DN để có giải pháp hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường làm việc với các nhà đầu tư có dự án chậm triển khai để tháo gỡ khó khăn, giúp DN nhanh chóng chuyển vốn đầu tư sang vốn thực hiện. Cũng tại cuộc họp này, đồng chí Nguyễn Văn Trình đã phê bình Sở KH-ĐT còn chậm trễ trong công tác cải cách thủ tục.
Bài, ảnh: PHAN HÀ - TRÀ NGÂN