Hiện nay, số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả chỉ chiếm hơn 40%. Số còn lại đang gặp khó khăn về vốn, đất sản xuất, đầu ra sản phẩm… Để các HTX nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân các HTX, cơ quan chức năng cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho loại hình kinh tế tập thể này.
6 ĐIỂM YẾU CỦA HTX
Ông Trịnh Văn Thành (phải), Giám đốc HTX TM-DV nông nghiệp Xà Bang (huyện Châu Đức) trao đổi kỹ thuật trồng ca cao với xã viên. |
Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 69 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Kết quả xếp loại HTX nông nghiệp năm 2017, toàn tỉnh có hơn 40% HTX nông nghiệp hoạt động khá, tốt. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 7,7% HTX nông nghiệp xếp loại yếu. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay, nhiều HTX nông nghiệp đang bị “vướng” ở 6 điểm: Thiếu vốn, trình độ quản trị còn hạn chế, thiếu đất, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, nguồn nhân lực yếu, nhận thức chưa đúng về HTX.
HTX Rau an toàn Thắng Lợi (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) được thành lập năm 2005 là một ví dụ. Hiện nay, HTX có 52 thành viên sản xuất rau an toàn trên diện tích 7,2ha. Các khâu sản xuất của HTX đều tuân thủ quy trình 4 đúng (đúng thuốc, đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng thời gian cách ly) nên chất lượng rau được bảo đảm. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Rau an toàn Thắng Lợi, đầu ra cho sản rau an toàn của HTX hiện đang gặp nhiều khó khăn, rau chủ yếu bán cho thương lái nên giá không ổn định, thường xuyên bị ép giá. Đặc biệt, giá bán sản phẩm bị cào bằng như các loại rau thường, trong khi chi phí sản xuất rau an toàn cao hơn rau truyền thống. Điều này khiến các thành viên HTX không còn mặn mà với sản xuất rau an toàn.
Còn HTX TM-DV nông nghiệp Xà Bang (xã Xà Bang, huyện Châu Đức, được thành lập năm 2013) lại đang gặp khó khăn về đất sản xuất. Hiện nay, HTX có 70 thành viên canh tác ca cao trên diện tích hơn 30ha, sản lượng đạt 25 tấn ca cao tươi/ha/năm. Với giá bán 5.500-6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên thu lợi nhuận hơn 80 triệu đồng/ha. Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc HTX TM-DV nông nghiệp Xà Bang cho biết, giá ca cao ổn định, lại được Công ty TNHH Ca cao Thành Đạt ký kết bao tiêu sản phẩm nên HTX muốn mở rộng diện tích trồng ca cao để đáp ứng nhu cầu thu mua của DN. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất nên việc mở rộng diện tích trồng ca cao vẫn chưa thể triển khai.
Trong khi đó, dù đầu ra cho sản phẩm ổn định, nhưng HTX Nông nghiệp An Nhứt (huyện Long Điền) lại đang gặp khó khăn về vốn. Theo ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nhứt, lúa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX dù bán rất chạy nhưng HTX chưa thể mở rộng diện tích do kinh phí đầu tư trồng lúa theo chuẩn VietGAP rất lớn, vượt quá khả năng của HTX.
TĂNG HỖ TRỢ CHO CÁC HTX
Chăm sóc thanh long tại HTX Nông nghiệp Hưng Thịnh (huyện Xuyên Mộc). |
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX nông nghiệp của BR-VT có điều kiện thuận lợi để phát triển, các sản phẩm của HTX cũng khá phong phú và được đánh giá cao về chất lượng như: nhãn xuồng cơm vàng của HTX Nhân Tâm, bơ của HTX nông nghiệp Thái Dương, bưởi của HTX Sông Xoài, ca cao của HTX ca cao hữu cơ Bapula Bà Rịa… Mặc dù vậy, sản phẩm của các HTX mới chỉ tiêu thụ tại chỗ, chưa thâm nhập vào các thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu. Ông Phan Nhật Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, hiện nay, mới chỉ có 2 sản phẩm là tiêu Bầu Mây và ca cao hữu cơ Bapula có được chỗ đứng ở thị trường trong nước và quốc tế. Điểm yếu khiến sản phẩm của các HTX nông nghiệp trong tỉnh chưa tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường là chưa có thương hiệu và tiêu chuẩn sản xuất. Trái bơ của HTX Nông nghiệp Thái Dương là một ví dụ. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng, chất lượng bơ của HTX Thái Dương ngon hơn bơ của Đắk Lắk, nhưng hiện nay, HTX mới đang xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Còn với trái nhãn xuồng cơm vàng, dù đã có thương hiệu, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng việc tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm chưa mạnh, nên sản phẩm chỉ tiêu thụ ở miền Đông Nam bộ, chưa xuất khẩu được. Do vậy, các HTX nông nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và chủ động liên kết với các nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Còn ông Đỗ Văn Bảo, đại diện HTX Nông nghiệp Toàn Cầu (TP.Bà Rịa) cho rằng, để HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, Ban quản trị phải năng động, có trình độ, được đào tạo bài bản theo từng chức danh cụ thể; có kế hoạch, chiến lược kinh doanh rõ ràng, phù hợp với thực tiễn; chủ động nắm bắt thông tin thị trường để tạo đầu ra cho sản phẩm...
Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay, hầu hết các HTX nông nghiệp chưa nắm được thông tin và chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận các chính sách về vốn, kỹ thuật cũng như các mối liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, Sở NN-PTNT và các ngành chức năng sẽ đồng hành cùng các HTX nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn về vốn, kỹ thuật sản xuất, trồng trọt. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng hỗ trợ HTX xây dựng các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, GlobalGAP; tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, xây dựng các mối liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm để nông dân không còn rơi vào tình trạng “được mùa mất giá".
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU
ÔNG PHAN NHẬT NAM, CHỦ TỊCH LIÊN MINH HTX TỈNH: “Xắn tay” vào hỗ trợ HTX Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Theo Đề án, BR-VT sẽ thành lập mới thêm 90 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp lên 138 HTX. Để hoàn thành mục tiêu theo Đề án, đòi hỏi sự hỗ trợ của các sở, ngành, địa phương, trong đó cán bộ nông nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật các cấp phải tâm huyết, “xắn tay” vào hỗ trợ các HTX. |