Trước đây, tại các vùng đất cát trên địa bàn tỉnh, nông dân chủ yếu canh tác các loại rau, khoai mì nhưng hiệu quả không cao. Những năm gần đây, nhiều nông dân đã trồng nhãn xuồng trên các vùng đất này và cho thu nhập 350-450 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Công Chang Chăm sóc vườn nhãn xuồng của mình tại ấp An Điền, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. |
Ông Nguyễn Công Chang (ấp An Điền, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) là một trong những người tiên phong trồng nhãn xuồng trên địa bàn xã Lộc An. Theo ông Chang, gia đình ông có 2ha đất cát, chuyên trồng rau màu nhưng hiệu quả thấp, nhất là vào mùa mưa, rau thường xuyên bị dập nát. Vì vậy, từ năm 2010, ông chuyển sang trồng nhãn xuồng. Kết quả, cây nhãn xuồng thích hợp với loại đất cát, sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Ông Chang thông tin: “Mùa nhãn vừa qua, tôi thu hoạch được 8-9 tấn nhãn/ha. Với giá bán tại vườn từ 50 - 60 ngàn đồng/kg nhãn xuồng cơm vàng, 60 - 70 ngàn đồng/kg nhãn xuồng Bao công, 130 - 140 ngàn đồng/ký nhãn bắp cải, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 600 triệu đồng/năm từ vườn nhãn”.
Ông Phạm Duy Ân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã Lộc An có gần 20 hộ trồng nhãn xuồng trên diện tích hơn 30ha. Trước đây, diện tích này được người dân trồng lúa, khoai mì, rau màu nhưng kém hiệu quả. Những năm gần đây, nhãn xuồng liên tục trúng mùa, được giá nên đem lại thu nhập từ 300-350 triệu/ha, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Thời gian qua, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, hội thảo học tập kinh nghiệm, hướng dẫn phương pháp và cách thức sử dụng phân bón, chăm sóc cây nhãn, từng bước đưa cây nhãn xuồng trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã.
Tại xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ cũng đang có hơn 20ha đất cát được người dân trồng nhãn. Bên cạnh trồng các loại nhãn thuần chủng, nông dân trên địa bàn xã đã lai tạo để cho ra những giống nhãn đặc trưng, có năng suất, giá bán cao. Gia đình ông Nguyễn Văn Thành (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) có 0,7ha nhãn xuồng ghép. Ông Thành cho biết, đây là loại nhãn được lai ghép từ cây nhãn tiêu và nhãn xuồng để cho ra loại trái vừa to, cơm dày nhưng hạt nhỏ. Trung bình 1 năm, vườn nhãn của gia đình cho thu hoạch được 7 tấn, bán cho thương lái tại vườn với giá từ 100-130 ngàn đồng/kg, thu lãi từ 230-250 triệu đồng.
Ngoài huyện Đất Đỏ, trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 700ha diện tích trồng nhãn xuồng tại phường 12, TP.Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc đem lại thu nhập cao cho nhiều nông dân địa phương. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, vùng đất cát trên địa bàn tỉnh giàu kali và một số vi lượng khác, cộng với thời tiết phù hợp nên nhãn xuồng trồng trên đất cát BR-VT có màu vàng rất đặc trưng, cơm dày, vị ngọt cao vượt trội so với những vùng đất khác.
Hiện nay, Sở NN-PTNT đang lập đề án quy hoạch một số diện tích đất cát ven biển trên địa bàn tỉnh thành vùng chuyên canh nhãn xuồng. Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển nông thôn đang hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho nhãn xuồng cơm vàng của tỉnh, qua đó khẳng định thương hiệu của loại nông sản đặc sản này, giúp nông dân và các DN thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh và hướng đến xuất khẩu nhãn xuồng cơm vàng BR-VT.
Bài, ảnh: QUANG VINH