Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Với môi trường đầu tư thuận lợi, thời gian qua, kinh tế tư nhân (KTTN) trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, đóng góp hơn 30% GRDP của tỉnh và tạo nhiều công ăn việc làm. Tuy nhiên, để thành phần kinh tế này phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.
CÒN GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN
Sản xuất kính cường lực tại Nhà máy nhôm kính Hùng Vinh (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu). |
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 13.000 DN, với tổng vốn đăng ký hơn 101.000 tỷ đồng. Năm 2017, khu vực KTTN đã đóng góp hơn 30% GRDP của tỉnh (trừ dầu khí), nộp ngân sách qua các khoản thuế 3.200 tỷ đồng. KTTN cũng là khu vực chủ yếu tạo việc làm cho người lao động trong tỉnh, với thu nhập bình quân đạt 6,4 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KHĐT, hiện nay, quy mô của đa số các DN thuộc khu vực KTTN nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, DN vừa và nhỏ, trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp, cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với thành phần kinh tế khác. Nhiều DN ở khu vực KTTN khó tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng (do thiếu vốn đối ứng, thiếu tài sản thế chấp...), chưa tiếp cận được khoa học – công nghệ tiên tiến, chưa có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, một số DN bị thua lỗ, dẫn đến ngừng hoạt động.
Công nhân cơ sở mật ong Anh Tiến (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) gia công sản phẩm mật ong tươi. Ảnh: VÂN ANH |
Công ty TNHH P.N (đường Huyền Trân Công Chúa, phường 8, TP.Vũng Tàu) chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng hơn 10 năm qua là một ví dụ. Ông Nguyễn Hưng, đại diện Công ty TNHH P.N cho biết, khoảng 10 năm trước, việc kinh doanh vật liệu xây dựng chưa chịu sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay nên công ty “sống” được. Gần đây, hàng loạt DN cung ứng vật liệu xây dựng ra đời, tạo sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường vật liệu xây dựng. Do hạn chế về năng lực quản trị, về vốn, năm 2017, sau khi kiểm kê lại sổ sách, Công ty TNHH P.N đã thua lỗ gần 1 tỷ đồng. Vì vậy, DN đành phải trả lại 150m2 mặt bằng thuê kinh doanh, đồng thời tuyên bố phá sản.
Còn theo bà Phạm Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Nam Phương Xanh (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu), thời gian qua, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm như dưa lưới, bơ, sầu riêng... Để đáp ứng yêu cầu của các khách hàng lớn (siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại), Công ty phải có nguồn cung ổn định. Nhưng hiện quỹ đất để đầu tư sản xuất còn ít, không liền mạch. Do vậy, Công ty phải mua 4 khu đất tại huyện Đất Đỏ, huyện Châu Đức và TP.Bà Rịa để đầu tư trang trại, khiến chi phí đầu tư cao, sản phẩm làm ra chỉ cung cấp cho các khách hàng nhỏ lẻ nên hiệu quả đầu tư thấp.
Hiện nay, việc tiếp cận các nguồn vay ưu đãi còn khó khăn do hạn chế từ ngay chính các DN. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, TX.Phú Mỹ) cho biết, tái chế xỉ thép là một trong những lĩnh vực được vay ưu đãi từ Quỹ BVMT tỉnh. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này, DN phải chứng minh công nghệ, có vốn đối ứng… Tuy nhiên, DN không đáp ứng được yêu cầu này nên phải tìm nguồn vốn khác với lãi suất cao để đầu tư sản xuất kinh doanh.
KINH TẾ TƯ NHÂN LÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN
Công ty TNHH Nam Phương Xanh đầu tư nông nghiệp sạch nhưng đang khó khăn về thị trường tiêu thụ. |
Theo ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh BR-VT, để thúc đẩy KTTN phát triển, các chính sách của Đảng, Nhà nước cần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho thành phần kinh tế này. Đồng thời, cần cụ thể hóa các hỗ trợ cho khu vực KTTN thông qua việc tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành DN; hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động…
Ngày 3-6-2017, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những nỗ lực lớn để thúc đẩy phát triển KTTN thể hiện qua các thông điệp của Thủ tướng, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, hay các Nghị quyết chuyên đề như Nghị quyết 19, 35 về các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN… với mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu DN hoạt động hiệu quả.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2018, tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KTTN, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp nhằm xây dựng một đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN lớn mạnh. Cùng với đó, BR-VT tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đưa ra những giải pháp thiết thực, tạo niềm tin cho DN để khuyến khích đầu tư; Tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và tích cực nhất cho sự phát triển của DN, nhà đầu tư trong thời gian tới. BR-VT sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và các năm tiếp theo; Tăng cường hỗ trợ DN tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động...
Bài, ảnh: QUANG VŨ – MINH AN