.

Không chủ quan với dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 15:54, 13/09/2018 (GMT+7)

Từ đầu tháng 8-2018 đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện và bùng phát tại Trung Quốc, quốc gia có đường biên giới dài với Việt Nam. Đây là dịch bệnh nguy hiểm, có thể làm heo chết hàng hoạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trước tình hình này, cơ quan chức năng và các hộ nuôi heo trên địa bàn tỉnh đang triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

CÓ THỂ LÀM HEO CHẾT HÀNG HOẠT

Kiểm soát chặt chẽ các lò giết mổ là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống lây lan dịch tả heo châu Phi. Trong ảnh: Nhân viên thú y đóng dấu chứng nhận heo an toàn tại một lò mổ ở phường 12, TP.Vũng Tàu.
Kiểm soát chặt chẽ các lò giết mổ là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống lây lan dịch tả heo châu Phi. Trong ảnh: Nhân viên thú y đóng dấu chứng nhận heo an toàn tại một lò mổ ở phường 12, TP.Vũng Tàu.

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, tại Trung Quốc đã xuất hiện 14 ổ dịch tả heo châu Phi ở 6 tỉnh, gây thiệt hại nặng nề. Đáng chú ý, các ổ dịch cách nhau hàng ngàn km, chứng tỏ loại bệnh này có khả năng lây lan xa và tiềm ẩn nguy cơ lan sang Việt Nam.

Bác sĩ thú y Anan Lertwilai, Phó Tổng Giám đốc phụ trách thú y Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam thông tin, dịch tả heo châu Phi do virus gây ra, với tỷ lệ heo chết cao và nguy hiểm hơn bệnh heo tai xanh, lở mồm long móng. Trong khi đó, hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh này và cũng chưa có thuốc chữa trị hiệu quả. Vì vậy, nếu xảy ra dịch tả heo châu Phi, tỷ lệ heo tử vong có thể lên đến 100%. Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã in 15.000 tờ rơi thông tin về bệnh để cung cấp cho các đối tác, người dân và hướng dẫn các trang trại tăng cường thực hiện an toàn sinh học để kiểm soát bệnh.

Theo ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, với tổng đàn heo gần 450 ngàn con và đang có xu hướng tiếp tục tăng do giá heo ở mức cao.  Bệnh tả heo châu Phi không may lây lan vào địa bàn tỉnh BR-VT sẽ gây hậu quả nặng nề. Do đó, việc chủ động phòng bệnh là hết sức quan trọng. Các biện pháp chính là kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển heo và chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài những biện pháp tức thời để phòng bệnh, người nuôi heo cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng sinh học, đạt các tiêu chuẩn VietGAP nhằm giảm nguy cơ mắc dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Vài ngày nữa, dự kiến Bộ NN-PTNT tổ chức cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh về phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Theo đó, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để các địa phương và trang trại, hộ nuôi heo chủ động trong phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này”, ông Nguyễn Lương Trai cho biết thêm.

NGƯỜI DÂN CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA BỆNH CHO HEO

Chăn nuôi heo tại trang trại của ông Nguyễn Văn Mạnh (ấp Gò Cát,  xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc).
Chăn nuôi heo tại trang trại của ông Nguyễn Văn Mạnh (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc).

Trước tình hình nêu trên, các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng đang khá lo lắng về loại dịch bệnh nguy hiểm này; đồng thời chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh,  hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, gần đây, giá heo tăng mạnh, lên mức 47-51 ngàn đồng/kg nên người nuôi heo thu lãi khá. Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi đang tăng đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2019. Trước việc bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở một số nước, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia láng giềng với Việt Nam, ông Thanh và các hộ nuôi heo khác rất lo lắng. “Hiện nay, tôi triển khai một số biện pháp để phòng bệnh như: Phun thuốc sát trùng khu chăn nuôi, rải vôi bột trên những lối đi trong trại nuôi, tiêm kháng sinh định kỳ cho heo nhằm tăng khả năng phòng bệnh”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Nam, một hộ chăn nuôi heo ở thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức - người có kinh nghiệm chăn nuôi heo lâu năm cho rằng, dù nhiều trang trại và hộ nuôi heo đã có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhưng quan trọng nhất vẫn là không để dịch bệnh lây lan vào Việt Nam. Do đó, các hộ chăn nuôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần có các biện pháp đồng bộ như: Tăng cường kiểm nghiệm nguồn thịt heo nhập vào Việt Nam, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nguy cơ gây lây lan dịch bệnh.

Bài, ảnh: QUANG VINH

Trước tình hình nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam. Trong đó, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới sang Việt Nam.


Triệu chứng của bệnh dịch tả heo châu Phi khá giống với bệnh tả thông thường, khiến người nuôi heo dễ bị nhầm lẫn. Cụ thể, khi bị nhễm bệnh, heo sốt cao trên 40oC, bỏ ăn, lười vận động, ủ rũ, thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước; đồng thời có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ. Trong 1-2 ngày trước khi chết, heo có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc có thể táo bón…

 

.
.
.