Những năm gần đây, nhiều hộ dân tại xã An Nhứt, huyện Long Điền đã mạnh dạn đầu tư trồng hoa lan. Một số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng lan. Mô hình trồng lan đã mở ra hướng làm ăn mới, góp phần nâng cao đời sống cho các hộ dân nơi đây.
THU NHẬP HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG/NĂM
Ông Phạm Văn Hiền (bìa phải), ấp An Đồng, xã An Nhứt, huyện Long Điền chăm sóc vườn lan. |
Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Hiền (ấp An Đồng, xã An Nhứt) đúng lúc ông đang chăm sóc vườn lan ngọc điểm. Ông Hiền cho biết, ngoài hơn 15.000 chậu lan chuẩn bị ra hoa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, ông còn có hơn 10.000 chậu lan ngọc điểm 6-7 tháng tuổi, cùng hàng trăm chậu lan từ 4-10 tuổi. Năm 2007, ông Hiền khởi nghiệp trồng lan với khoảng 5.000 chậu dendro và ngọc điểm. Thời gian đầu, do chưa hiểu về cây lan, ông Hiền nhiều lần thất bại do cây ra hoa không như ý hoặc bị chết do bệnh. Không nản lòng, ông Hiền vừa trồng vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, ông Hiền đã thành thạo kỹ thuật chăm sóc lan, từ cách tưới, giờ tưới, bón phân để lan ra bông tốt, đúng thời điểm. Hiện nay, vườn lan mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Hiền.
Cũng vì yêu hoa lan, ông Trần Thanh Phương (ấp An Đồng, xã An Nhứt) đã tập trồng lan từ năm 1992. Ban đầu, ông trồng 200 gốc dendro, cattleya, ngọc điểm. Sau đó, ông chủ yếu trồng ngọc điểm. Hiện ông đang sở hữu hơn 10.000 gốc ngọc điểm các loại. “Trồng hoa lan phải hiểu tính cách hoa thì mới thành công. Tôi tập trung vào một số loại lan rừng, ngọc điểm quý và luôn có đầu ra ổn định. Thu nhập từ hoa lan mang lại cho gia đình tôi khoảng 200 triệu đồng/năm”, ông Phương chia sẻ.
Tốt nghiệp ĐH Nông lâm TP.Hồ Chí Minh năm 2013, thay vì xin vào các cơ quan, DN làm việc như nhiều bạn đồng trang lứa, anh Trần Minh Hiếu lại quyết định vay mượn 100 triệu đồng để trồng hoa lan tại ấp An Lạc, xã An Nhứt. Do chưa hiểu sâu về kỹ thuật trồng lan, năm đầu, lan chết hàng loạt khiến Hiếu thua lỗ mất nửa số vốn. Không đầu hàng, anh đi tìm hiểu nguyên nhân lan bệnh, chết và khôi phục dần vườn lan của mình. Hiện nay, anh đang sở hữu 70.000 chậu lan thuần chủng denrobium. Thu nhập từ trồng lan của anh đạt 250-300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động (mức lương 4,5-5 triệu đồng/tháng) và 20 lao động thời vụ của địa phương.
MỞ RA HƯỚNG LÀM ĂN MỚI
Vườn lan của ông Trần Thanh Phương, ấp An Đồng, xã An Nhứt, huyện Long Điền đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Theo Hội Nông dân xã An Nhứt, từ đầu năm 2018, Hội đã đăng ký mô hình “Dân vận khéo trồng hoa lan ngọc điểm” với 20 hộ thực hiện và điển hình “Dân vận khéo trồng hoa lan cắt cành” của hộ anh Trần Minh Hiếu. Đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Những hộ đầu tư vườn lan quy mô lớn cho thu nhập lên đến 500 triệu đồng/năm; hộ trồng số lượng ít hơn thì lãi cũng trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các hộ trồng lan còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Ngô Tấn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền cho biết, trồng hoa lan đang là hướng phát triển mới trên địa bàn huyện, thu hút nhiều hộ tham gia với quy mô vừa và nhỏ. Mô hình trồng lan vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, vừa mang lại thu nhập cao và ổn định quanh năm. Đặc biệt, mô hình này phát triển mạnh ở xã An Nhứt với hơn 20 hộ tham gia. Xã đã thành lập CLB trồng hoa lan với 22 thành viên, qua đó giúp nhau về kỹ thuật trồng hoa, đầu ra cho sản phẩm. Hội Nông dân huyện Long Điền đã hỗ trợ vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho 2 mô hình dân vận khéo nói trên của Hội Nông dân xã An Nhứt với tổng số tiền 450 triệu đồng để các hộ có thêm vốn mở rộng sản xuất. Thời gian tới, Hội tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện cho Hội Nông dân xã An Nhứt tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Bài, ảnh: MINH QUANG - HỮU THUẬN