Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, công tác xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết này vẫn còn những khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ.
TỶ LỆ NỢ XẤU CÒN DƯỚI 3%
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank, Chi nhánh BR-VT. |
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX), tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đã giảm mạnh. Tính đến đầu tháng 8-2018, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại giảm còn 2,09%, thấp hơn khá nhiều so với mức 2,46% thời điểm cuối năm 2016. Tình trạng người vay tiền chây ì, không chịu bàn giao tài sản bảo đảm đã giảm bớt. Nhiều khách hàng đã chủ động phối hợp, tự bàn giao tài sản trả nợ cho các tổ chức tín dụng. Điều này cho thấy, việc trao quyền thu giữ tài sản cho các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42 đã giúp đẩy nhanh quá trình XLNX.
Báo cáo của NHNN Việt Nam Chi nhánh BR-VT cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, nợ xấu trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các ngân hàng trên địa bàn kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%/năm. Tính đến đầu tháng 8-2018, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống các ngân hàng chỉ còn 770 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu khối DN 380 tỷ đồng, chiếm 1,37% trong tổng dư nợ khối DN.
Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank Chi nhánh BR-VT cho biết: Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của Vietinbank Chi nhánh BR-VT chỉ khoảng 0,29%. Thời gian qua, Chi nhánh đã bán được một tài sản bảo đảm để XLNX là cảng xăng dầu Cái Mép trị giá 677 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietinbank cũng bán được một số tài sản bảo đảm khác trị giá khoảng 70 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Vietcombank Chi nhánh BR-VT, ông Đoàn Văn Tuyến, Giám đốc Chi nhánh cho biết, tỷ lệ nợ xấu tại đơn vị hiện ở mức thấp, chỉ chiếm 0,11%, tương đương 3,8 tỷ đồng trong tổng dư nợ cho vay 4.600 tỷ đồng.
NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN TIẾP TỤC THÁO GỠ
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên theo đánh giá của NHNN, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 42, vẫn còn những khó khăn cần được tháo gỡ. Phản ánh từ các ngân hàng cho biết, mặc dù Bộ Tài chính có Văn bản 4606/BTC-TCT ngày 20-4-2018 về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42, nhưng nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Vì vậy, cần sớm có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ. Nhiều trường hợp gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ, theo pháp luật, căn nhà bị ngân hàng xiết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình, hợp lý.
Tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 42 diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định, quá trình XLNX và tái cơ cấu hệ thống tín dụng vẫn chậm hơn so với kỳ vọng. Do đó, NHNN cần tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và XLNX, không để quá trình này chậm lại. Các tổ chức tín dụng chủ động thực hiện kế hoạch cơ cấu lại của ngân hàng mình theo hướng tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN, phối hợp chặt chẽ giữa ngành Ngân hàng và các cơ quan tư pháp trong XLNX nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm...
Bài, ảnh: PHAN HÀ