Những năm qua, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Châu Đức đã có nhiều đổi thay tích cực nhờ sự quan tâm chăm lo của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, bà con nơi đây phấn khởi lao động, sản xuất để xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO KHẤM KHÁ HƠN
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh và Phòng Dân tộc huyện Châu Đức thăm hỏi gia đình bà Lý Thị Hồng (người dân tộc Tày, ở xã Suối Rao). |
Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III (2015-2018) về “Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh” và Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS” đã làm đổi thay đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Châu Đức. Bà con đã có đời sống khấm khá hơn khi được hỗ trợ con giống, nguồn vốn và cả cơ sở hạ tầng. Theo báo cáo của UBND huyện Châu Đức, trong 2 năm 2016-2017, từ các chương trình trên, địa phương đã hỗ trợ cây, con, giống phát triển sản xuất cho hơn 400 hộ DTTS; đầu tư xây dựng hơn 140 nhà ở, nhà vệ sinh; cấp điện, nước sinh hoạt cho hơn 110 hộ. Bên cạnh đó, bà con đồng bào DTTS trên địa bàn huyện còn được tiếp cận các kỹ thuật khoa học hiện đại áp dụng vào việc nuôi, trồng, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng nông sản. Đến nay, 98% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Châu Đức đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, chăm lo của Nhà nước.
Hộ gia đình ông Đào Văn Nuôi (người dân tộc Châu Ro, SN 1962, ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) là một trong những hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi từ Chương trình 135 và Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS”. "Nhờ 2 con dê giống và 1 con bò sinh sản được hỗ trợ, đến nay, gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái khôn lớn", ông Đào Văn Nuôi hồ khởi chia sẻ khi chúng tôi đến thăm nhà. Ông Nuôi kể, trước đây, cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông phải chạy ăn từng bữa bằng công việc làm thuê, làm mướn. Nhà nghèo, lại có tới 6 người con nên kinh tế gia đình ông cứ hụt trước, thiếu sau trong nhiều năm liền. Nhằm giúp gia đình ông phát triển kinh tế, địa phương đã xem xét, đưa ông vào diện được hỗ trợ từ cả hai chương trình trên với 1 con bò sinh sản và 2 con dê giống. Không chỉ hỗ trợ con giống, ông còn được tập huấn, phổ biến khoa học, kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào chăn nuôi. Đến nay, đàn bò, dê của gia đình ông đã phát triển lên gần 20 con. Từ việc bán bê, dê thịt, ông thu lãi hơn 80 triệu đồng/năm. Năm 2016, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và đã bắt đầu có của ăn của để.
Tương tự, từ sự hỗ trợ của Chương trình 135 giai đoạn III , gia đình bà Lý Thị Hồng (người dân tộc Tày, SN 1988, ở xã Suối Rao) đã vươn lên, có cuộc sống khấm khá hơn. Bà Hồng cho biết, sau khi được hỗ trợ 2 dê giống và 50 triệu đồng để xây nhà ở, cuộc sống gia đình bà đã có nhiều đổi thay tích cực. Có căn nhà kiên cố để ở, gia đình bà yên tâm trồng trọt, chăn nuôi, kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn.
ĐỔI THAY TRÊN QUÊ HƯƠNG
Kinh tế gia đình ông Đào Văn Nuôi (người dân tộc Châu Ro, ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) khấm khá hơn nhờ chăn nuôi bò, dê. |
Hồ hởi nói về những đổi thay trên quê hương, ông Đào An (người dân tộc Châu Ro, xã Đá bạc) cho biết, những năm trước, khi chưa có những con đường bê tông sạch đẹp như ngày hôm nay, việc đi lại của người dân rất khó khăn. Đường sá chật hẹp, nắng bụi mưa lầy khiến việc chuyên chở nông sản của bà con vất vả. Không những thế, trẻ em đi học, người già đi khám bệnh qua những con đường này cũng rất gian nan. Cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói cứ thế đeo bám bà con nơi đây. Đến nay, khi có đường sá rộng rãi, sạch đẹp, quê hương đổi mới, đồng bào DTTS phấn khởi lao động, sản xuất, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Những năm qua, huyện Châu Đức đã không ngừng đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, nhất là những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong 5 năm trở lại đây, thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2011 - 2015, huyện Châu Đức đã đầu tư xây dựng 69,5 km đường giao thông nông thôn, giúp đồng bào thuận lợi hơn trong đi lại, sản xuất nông nghiệp, kinh doanh.
Ông Trần Phúc Lộc, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết, với sự quan tâm của tỉnh, huyện, các chương trình, đề án chăm lo đời sống đồng bào DTTS đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện. Đời sống của đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, bà con phấn khởi lao động, sản xuất. Thời gian tới, Phòng Dân tộc huyện tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện có thêm các chính sách, chương trình chăm lo, đầu tư cho những vùng có nhiều đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH
Huyện Châu Đức hiện có 13 DTTS đang sinh sống, với 2.161 hộ (9.456 nhân khẩu), trong đó đồng bào dân tộc Châu Ro chiếm đa số, với 5.141 nhân khẩu. Tính đến cuối năm 2017, tổng số hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo chỉ còn 321 hộ, giảm 145 hộ so với cùng kỳ năm 2016. |