Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất đầu vào: Chủ động nguồn vốn cho vay cuối năm

Thứ Năm, 06/09/2018, 18:25 [GMT+7]
In bài này
.

Gần 1 tuần qua, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng được điều chỉnh tăng nhẹ ở các kỳ hạn dưới 3 tháng và trên 12 tháng. Đây không phải lần đầu tiên trong nửa cuối năm 2018, các ngân hàng điều chỉnh lãi suất, mà trước đó một số ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm ở mức 0,1%-0,5%. Động thái này của ngân hàng nhằm huy động tiền nhàn rỗi, chủ động về thanh khoản trước nhu cầu vốn tăng mạnh trong các tháng cuối năm.

LÃI SUẤT HUY ĐỘNG TĂNG NHẸ

Tại Vietcombank, lãi suất tiết kiệm nhiều kỳ hạn hầu như không thay đổi so với tháng trước. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trở lên được Vietcombank điều chỉnh tăng từ 6,4% lên 6,5%.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank, Chi nhánh BR-VT.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank, Chi nhánh BR-VT.

Trong khi đó, tại BIDV, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này có phần nhỉnh nhất trong khối NHTM Nhà nước, khi lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng ở mức 6,9%/năm. Tuy nhiên, tháng 9 này BIDV cũng điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 1, 2 và trên 13 tháng. Cụ thể, từ ngày 3-9, các mức lãi suất ở kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng được điều chỉnh tăng 0,2% lên 4,3%; trong khi kỳ hạn 13 tháng tăng 0,1% lên 6,8%.

Khách hàng giao dịch tại BIDV Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Ảnh: PHAN HÀ
Khách hàng giao dịch tại BIDV Long Sơn, TP. Vũng Tàu.

Ở khối NHTMCP, biểu lãi suất tiết kiệm trong tháng 9 hấp dẫn nhất ở mức trên 8%/năm mang đến nhiều cơ hội cho khách hàng gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, cũng như khối NHTM Nhà nước, để hưởng mức lãi suất trên 8%, người gửi cũng phải chọn những kỳ hạn gửi dài từ 13 tháng trở lên. Đơn cử, ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất trong nhóm NHTMCP thuộc về VietCapital Bank với mức 8,6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Trong đợt điều chỉnh này, VietCapital Bank điều chỉnh lãi suất tại nhiều kỳ hạn khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung từ kỳ hạn 8 tháng trở lên, với mức tăng 0,6-1,4%. Eximbank đứng ở vị trí thứ nhì khi niêm yết lãi suất tiết kiệm ở mức 8%/năm cho kỳ hạn 24 và 36 tháng; TPBank đứng thứ 3 với 7,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

Trước đó, trong tháng 7, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,1% - 0,3%/năm cho các kỳ hạn dài. VPBank tăng thêm 0,2% cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lên mức 7,1%-7,3%/năm, tùy vào mức tiền gửi cho kỳ hạn 12 tháng và 7,2% - 7,4%/năm đối với các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng. ACB cũng tăng lãi suất 0,1% - 0,3% cho các kỳ hạn 18 tháng tùy vào mức tiền gửi, thay vì áp dụng chung 6,9%/năm như trước đó.

Theo lý giải của các ngân hàng, động thái tăng lãi suất này cũng chỉ là “đến hẹn lại lên” vì tín dụng những tháng cuối năm thường có xu hướng tăng cao. Đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của DN. Vì vậy, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay cuối năm. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2019, các ngân hàng chỉ được phép sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, vì vậy nhiều ngân hàng cần phải chuẩn bị trước nguồn vốn trung và dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn của ngân hàng mình. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, xu hướng nâng lãi suất huy động là tất yếu do nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất và USD tăng quá mạnh làm áp lực lên nhiều đồng tiền khác. Việt Nam khó mà đứng ngoài xu hướng này nhất là khi VND cũng mất giá khá nhanh so với USD khiến dòng tiền vào ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

ƯU TIÊN NGUỒN VỐN CHO SẢN XUẤT - KINH DOANH

Bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cho biết: Từ đầu năm đến nay, cơ cấu tín dụng chuyển dịch mạnh sang hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao. Đây là tín hiệu tốt, tạo đà cho DN phát triển. Bà Đoàn Thị Hà, Giám đốc Ngân hàng Quốc dân (NCB), Chi nhánh BR-VT cho biết: Hiện nay, 70% vốn của NCB tập trung vào các DNNVV. Ngoài ra, NCB cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay mua xe, sửa nhà… đáp ứng nhu cầu cao của đối tượng khách hàng cá nhân.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Quốc dân.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Quốc dân.

Tính đến cuối tháng 8-2018, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt 63.900 tỷ đồng, tăng  9,47% so với đầu năm, trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất đạt  50.150 tỷ đồng, tăng 12,13% so với đầu năm, chiếm đến 78,48% so với tổng dư nợ.

Theo bà Phan Thị Hồng Lam,  trong những tháng tiếp theo của năm 2018, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với khách hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam về lãi suất; tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Đặc biệt, các ngân hàng không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay (trừ một số khoản phí theo quy định của pháp luật); công khai, minh bạch các mức lãi suất huy động, cho vay, thủ tục hồ sơ giấy tờ cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra, NHNN chủ động, tích cực tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi về lãi suất nhằm hỗ trợ DN theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam. Đặc biệt, thông qua trang thông tin điện tử của NHNN chi nhánh tỉnh (địa chỉ: www.nhnn.baria-vungtau.gov.vn), các chi nhánh NHTM trên địa bàn có thể phối hợp cung cấp thông tin về các sản phẩm của mình gửi về NHNN chi nhánh tỉnh nhằm quảng bá các sản phẩm của mình đến đông đảo khách hàng.

Tính đến cuối tháng 8-2018, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn đạt 129.160 tỷ đồng, tăng 8,27% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm có mức tăng trưởng cao, đạt 77.900 tỷ đồng, tăng 10,49% so với đầu năm, chiếm 60,31% tổng nguồn huy động.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT)

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.