Sau 3 ngày làm việc (11 đến 13-9), với gần 60 phiên thảo luận sôi nổi và thực chất, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 với chủ đề: “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã kết thúc tốt đẹp.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của DN, người dân
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018. |
Phát biểu tại phiên bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, WEF ASEAN 2018 thực sự là ngày hội giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0). Phó Thủ tướng đánh giá, trong số này, có nhiều nhận thức mới, kinh nghiệm thực tiễn tốt, cũng như các ý tưởng, chính sách về khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn đa chiều mới đưa các quốc gia doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay. Do đó, Chính phủ và DN các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa; tạo nên động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới. Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang “kiến tạo” môi trường thuận lợi cho phát triển. Cùng với đó, khuyến khích mạnh mẽ DN, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển năng động của quốc gia. Thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Do đó, xây dựng nền giáo dục mở và thông minh cho toàn dân là nền tảng và phương cách quan trọng để thúc đẩy sáng tạo, từ đó bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng cơ hội và lợi ích của tiến bộ công nghệ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh Hội nghị đã đưa ra nhiều ý tưởng khuyến nghị về các hướng trang bị cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số để làm chủ công nghệ mới và đáp ứng các yêu cầu của việc làm mới. Đây cũng chính là cơ hội cho các DN tăng cường đầu tư vào giáo dục thông minh ở các nước ASEAN.
Kỳ vọng vào sự hợp tác trong thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn Diễn đàn kinh tế thế giới phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến thiết thực, được các nhà lãnh đạo ASEAN nêu tại Hội nghị, thành các kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể. Thông qua WEF ASEAN 2018, Việt Nam mong muốn Diễn đàn kinh tế thế giới thúc đẩy đối thoại, tăng cường quan hệ đối tác mở rộng vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
ASEAN sớm thích nghi "chống chọi" với thách thức
Tại phiên bế mạc, ông Kevin Sneader, Giám đốc quản lý toàn cầu Công ty tư vấn McKinsey bày tỏ tin tưởng, các quốc gia ASEAN sẽ cùng chung tay vượt qua khó khăn, ngày càng đạt được sự phát triển thịnh vượng dù phải đối mặt với nhiều thách thức và những xáo trộn. Để có được thành quả này, giải pháp quan trọng là các quốc gia ASEAN cần tập trung đẩy mạnh đầu tư cho lực lượng lao động, tăng năng suất lao động. Diễn đàn lần này đã tạo cơ hội cho các cuộc tiếp xúc, trao đổi giá trị, tập hợp được nhiều ý kiến, quan điểm, tiếng nói khác nhau để cùng bàn thảo hướng tới một tương lai lạc quan hơn cho ASEAN. Những điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường thương mại sẽ xuất hiện nhiều hơn, do đó để hạn chế rào cản thương mại, các quốc gia ASEAN cần tiếp tục theo đuổi và duy trì các thỏa thuận thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới.
Bà Anne-Birgitte Albrectsen, Giám đốc điều hành Tổ chức Plan International cho rằng, các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn lần này đã đem tới cơ hội thảo luận một cách cởi mở về nhiều vấn đề mà Chính phủ của các quốc gia ASEAN cũng như các tổ chức tư nhân, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, đặc biệt là sự bao trùm của nội dung thích nghi trong bối cảnh nền kinh tế số và thúc đẩy, tạo cơ hội cho tất cả mọi người tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để không ai bị bỏ lại phía sau. Những nội dung thiết thực như rủi ro liên quan đến tin giả khiến hệ thống thông tin báo chí chính thống bị ảnh hưởng, nạn quấy rối tình dục nơi công sở, tạo điều kiện bình đẳng để người phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ được tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển của các quốc gia… đã được thảo luận nhằm đưa ra biện pháp giải quyết.
Đánh giá cao sự đầu tư cho giáo dục của Việt Nam và các nước ASEAN trong những năm qua, bà Anne-Birgitte Albrectsen khẳng định đây không còn là hiện tượng mới mà đã trở thành một nét văn hóa khu vực, là nền tảng giúp ASEAN tiến lên phía trước, đồng thời là thông điệp cần được truyền đạt, học hỏi và duy trì. Yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy nhận thức về sự bình đẳng để tạo điều kiện bình đẳng cho trẻ em gái nói riêng và người phụ nữ nói chung, khai thác được nhiều hơn tiềm năng của lực lượng này.
PHƯƠNG HẠNH