Với phương châm ngành điện đi trước một bước, thời gian qua, ngoài việc đầu tư hạ tầng điện cho mục đích sinh hoạt, ngành điện đã tích cực triển khai đầu tư hạ tầng điện cho các KCN. Từ đó cung cấp điện ổn định, liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN.
Công ty Điện lực BR-VT thi công đường dây điện trên đường 30-4, TP. Vũng Tàu. |
Trong những năm gần đây, nhu cầu điện tại BR-VT liên tục tăng cao, trung bình từ 8-10%/năm, chủ yếu là từ việc sản xuất tại các KCN. Tính từ năm 2011 đến nay, đã có thêm nhiều phụ tải mới như: KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Đá Bạc, KCN Đất Đỏ I, KCN Đô thị Châu Đức… Thêm vào đó, nhiều DN trong KCN mới đầu tư hoặc mở rộng sản xuất cũng làm gia tăng nhu cầu về điện.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 KCN, trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động với hơn 360 dự án. Để bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục cho các KCN, trong giai đoạn 2016-2018, Công ty Điện lực BR-VT đã đầu tư gần 68km lưới điện trung thế 22kV tại các KCN, tổng kinh phí gần 134 tỷ đồng; 10,6km lưới điện 110kV và trạm biến áp có tổng công suất 395MVA, tổng kinh phí 474,7 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2017, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã giao BQL dự án Điện lực miền Nam và Công ty Lưới điện cao thế miền Nam thực hiện 14 công trình lưới điện 110kV, với tổng công suất tăng thêm 813MVA, phục vụ cho các khu vực có nhu cầu lớn như: cảng Cái Mép, KCN Mỹ Xuân B1, KCN Phú Mỹ III, KCN Long Sơn, KCN Mỹ Xuân A2. Việc đầu tự kịp thời hạ tầng lưới điện đã giúp các DN tại các KCN có đủ điện sản xuất, hạn chế được các sự cố về điện.
Nhân viên Điện lực Vũng Tàu lắp đặt trạm biến áp trên đường 3-2, TP. Vũng Tàu. |
Ông Vũ Hồng Tráng, Giám đốc Điện lực TX. Phú Mỹ cho biết, trước đây tại khu vực cảng và KCN trên địa bàn TX. Phú Mỹ chỉ có 1 trạm biến áp Thị Vải cung cấp điện. Thời gian qua, Công ty Điện lực BR-VT đã đầu tư thêm các trạm biến áp 110kV cho khu vực này, nâng tổng số trạm biến áp tại TX. Phú Mỹ lên 6 trạm, với tổng công suất 126MVA; 52km lưới điện trung thế 22kV với tổng kinh phí 112 tỷ đồng, bảo đảm đủ cung cấp điện ổn định, liên tục, ngoài ra còn có nguồn và lưới điện dự phòng. Bên cạnh đó, Điện lực Phú Mỹ còn kiểm tra, sửa chữa lưới điện, khắc phục các sự cố về điện để tạo nguồn cấp ổn định cho các DN sản xuất.
Còn tại huyện Đất Đỏ, dự báo khi KCN Đất Đỏ I thu hút thêm nhiều DN mới đi vào hoạt động, nhu cầu sẽ tăng cao, do đó Công ty Điện lực BR-VT xây dựng kế hoạch đầu tư nguồn điện riêng cho KCN này. Trước mắt, trong năm 2018, khi trạm biến áp 110kV An Ngãi đi vào hoạt động, ngành điện sẽ điều chỉnh để “chia sẻ” thêm nguồn điện cho KCN Đất Đỏ I. Giai đoạn 2019-2020, ngành điện tiếp tục đầu tư thêm 11km đường dây trung thế 22kV, 11km đường dây 110kV và trạm biến áp có công suất 40MVA. Khi các dự án này hoàn thành sẽ không lo thiếu điện cung cấp cho các DN đã và đang đầu tư vào KCN Đất Đỏ I.
Nguồn cấp điện ổn định là một trong những yếu tố giúp các DN bảo đảm sản xuất. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Dongjin Global (KCN Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ) vận hành thiết bị sản xuất. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng lưới điện, hàng tuần Công ty Điện lực BR-VT tổ chức họp với các điện lực địa phương để nắm bắt nhu cầu sử dụng điện tại các KCN. Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm: Dựa trên nhu cầu phát triển thực tế của các KCN, dự kiến, trong giai đoạn 2019-2020, ngành điện sẽ tiếp tục đầu tư 97,26km lưới điện trung thế 22kV, với tổng kinh phí 153 tỷ đồng; 19km lưới điện 110kV, lắp mới các trạm biến áp 110/22kV với công suất 418MVA, tổng kinh phí đầu tư hơn 471 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư cho một số khu vực trọng điểm như khu hóa dầu Long Sơn, KCN Đất Đỏ I, KCN Phú Mỹ I…
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU