Dù tỷ lệ sống thấp, nhưng lợi nhuận mà ông Nguyễn Hoàng Oanh (18/26, đường Chi Lăng, phường 12, TP. Vũng Tàu) thu được từ mô hình ương cá bớp giống trong ao đất lên đến 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Hoàng Oanh vệ sinh ao ương giống cá bớp. |
3-4 năm trở lại đây, do ô nhiễm môi trường, cộng với thời tiết không thuận lợi nên hiệu quả từ nuôi tôm không cao. Năm 2017, qua tìm hiểu thị trường, ông Nguyễn Hoàng Oanh đã quyết định chuyển từ nuôi tôm sang sản xuất cá bớp giống.
Theo ông Oanh, để thu hoạch khoảng 100.000 con giống/đợt, cần nhập 2-2,5kg trứng cá từ tỉnh Phú Yên, giá 10 triệu đồng/kg trứng (1kg trứng tương đương khoảng 1 triệu trứng). Trứng sau khi đưa về cơ sở được ấp nở và ương nuôi theo một quy trình chăm sóc kỹ càng. Thức ăn giai đoạn này chủ yếu là luân trùng (một loài sinh vật phù du) và ấu trùng Artemia (một loài giáp xác có hàm lượng đạm rất cao). Sau ngày thứ 20, cá con đã có thể ăn cám viên. Khi cá đạt kích cỡ 3-5cm, thì cho phân đàn ra các gièo nuôi (4x6m), mỗi đàn 3.000-5.000. Sau 2 tháng ương nuôi, cá đạt kích thước 8-10cm thì xuất bán.
Ông Nguyễn Hoàng Oanh cho biết, hiện thị trường tiêu thụ con giống chủ yếu là tỉnh Kiên Giang và vùng nuôi cá lồng bè Long Sơn. Giá bán giao động từ 10.000 - 15.000 đồng/6 con, cỡ 10cm, tùy theo mùa vụ. Mỗi đợt sản xuất tỷ lệ sống đạt chừng 5% tính từ trứng. Sau khi trừ chi phi lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/đợt. Mỗi năm, cơ sở sản xuất 3 đợt, thu về lợi nhuận trên dưới 1,5 tỷ đồng.
Anh Võ Xuân Hậu, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Hiện nay, giống cá bớp cung cấp cho các hộ nuôi lồng bè tại địa phương còn phụ thuộc vào cơ sở sản xuất của các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Ông Oanh là một trong những người tiên phong và thành công trong mô hình ương giống cá bớp. Thành công từ mô hình này, ngư dân có thêm lựa chọn về nguồn giống phục vụ cho việc nuôi cá bớp thương phẩm”.
Bài, ảnh: TRỌNG HOÀNG