Phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển: Xây dựng thói quen tốt, xử lý vấn đề về môi trường dựa trên liên kết vùng

Thứ Tư, 29/08/2018, 18:50 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 29-8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo bàn giải pháp phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Festival Biển BR-VT 2018. 

Các đại biểu dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị.

Hội thảo thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh, Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm (Quảng Nam) và đại diện nhiều DN trên địa bàn tỉnh. Tại hội thảo, nhiều đề xuất kèm giải pháp bảo vệ môi trường tự nhiên-xã hội-văn hóa, điều chỉnh hành vi thói quen trong ứng xử với môi trường được các đại biểu chia sẻ nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển, đảo, hướng tới phát triển bền vững kinh tế du lịch BR-VT.  

LIÊN KẾT NGĂN NGUỒN XẢ THẢI

Theo TS. Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh, biển BR-VT luôn đối mặt với rác thải sinh hoạt và rác tự nhiên từ các cửa sông Đồng Nai, Sài Gòn, sông Tiền theo gió và thủy triều dạt về. Do đó, chỉ mình BR-VT không thể giải quyết dứt điểm được mà tỉnh cần phải chủ động liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực cùng ngăn chặn nguồn thải. “Bên cạnh đó, BR-VT cũng cần có chiến lược đồng bộ trong quản lý tài nguyên biển. Hạn chế nghề khai thác thủy hải sản tận diệt và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho ngư dân”, TS. Trần Anh Tuấn nói. 

Ngoài kiểm soát môi trường tự nhiên, xã hội, ý thức xây dựng chữ tín, thương hiệu trong kinh doanh cũng góp phần quan trọng xây dựng môi trường du lịch. ThS. Nguyễn Trọng Cường, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ cho rằng, BR-VT thi thoảng vẫn mang tiếng xấu bởi một bộ phận kinh doanh chụp giật, gian lận giá cả, đo lường, “chặt chém” khách. Do vậy, các cơ quan quản lý địa bàn cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân minh bạch giá bán dịch vụ. Ở khối lưu trú, do đặc thù của du lịch BR-VT là vắng khách ngày thường, đông đúc cuối tuần buộc người kinh doanh phải điều chỉnh giá cho phù hợp mới có lãi. Tuy nhiên, nếu duy trì biên độ thay đổi giá giữa ngày thường và cuối tuần, lễ, tết, kết hợp khâu quảng bá tốt, được khách tin cậy thì BR-VT sẽ thu hút được khách thường xuyên, dài hạn.  

TẬP THÓI QUEN KHÔNG DÙNG TÚI NILON

TS.Chu Mạnh Trinh, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù lao Chàm (TP.Hội An, Quảng Nam) chia sẻ, ông có vài lần tham gia đề tài đánh giá tác động môi trường và biến đổi khí hậu ở vùng biển Phước Hải, Lộc An của BR-VT. Ông thấy tuyến ven biển của BR-VT, nhất là những làng chài tập trung ngư dân sinh sống, tình trạng rác thải nylon, nhựa lẫn trong cát và vương vãi trong môi trường rất nhiều. BR-VT phát triển du lịch, cư dân địa phương cần thay đổi thói quen ngay từ bây giờ để giảm gánh nặng ô nhiễm từ chất thải nhựa, tạo môi trường xanh, sạch bền vững là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Thu gom rác trên bãi tắm thuộc KDL Sài Gòn - Hồ Cốc.
Thu gom rác trên bãi tắm thuộc KDL Sài Gòn - Hồ Cốc.

TS.Chu Mạnh Trinh cho hay, gần 10 năm qua, người dân Cù lao Chàm đã nói không với túi nylon, vật liệu nhựa trong sinh hoạt mà thay bằng những chiếc giỏ thân thiện với môi trường, túi giấy hoặc lá chuối dùng để gói ghém. Để đạt được kết quả trên, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, DN và đặc biệt là người dân trên đảo đã hợp tác trong tất cả các hoạt động như: dọn vệ sinh bãi biển; bắt sao biển gai; thay đổi thói quen dùng bao nylon bằng giỏ, lá, giấy; phân loại rác thải tại nguồn; đầu tư quy trình xử lý rác khoa học… Khi đã tạo được môi trường bền vững, Cù lao Chàm còn tiến tới khống chế lượng khách ra đảo và chỉ hoan nghênh khách quốc tế, khách thực sự biết giá trị bảo vệ môi trường. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, quá trình thực hiện chiến dịch nói không với bao nylon cho BR-VT”, TS.Chu Mạnh Trinh nói. 

Bài, ảnh: THÀNH HUY, ĐĂNG KHOA

;
.