Mật rẻ hơn đường, người nuôi ong gặp khó

Chủ Nhật, 19/08/2018, 17:53 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm trước, nghề nuôi ong lấy mật mang đến thu nhập rất khá. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá mật ong giảm thê thảm khiến người nuôi ong lao đao.

Nuôi ong lấy mật tại trang trại của anh Lưu Văn Thao (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc).
Nuôi ong lấy mật tại trang trại của anh Lưu Văn Thao (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc).

Anh Nguyễn Văn Cậy (ấp Bình Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang nuôi 250 thùng ong lấy mật, cho biết. “Trước đây, mật ong có giá cao, từ 40-45 ngàn đồng/kg (khoảng 1,2-1,3 lít) nên lãi khá. 250 thùng ong mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, giá mật ong liên tiếp giảm, hiện nay chỉ còn chưa đến 20 ngàn đồng/kg. Với giá này, người nuôi ong đang thua lỗ nặng”.

Theo anh Nguyễn Văn Thành (ấp 4, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) - một người đã có gần 10 năm kinh nghiệm nuôi ong cho biết, nguyên nhân của việc giá mật ong giảm mạnh là do giá mật ong xuất khẩu giảm, hiện chỉ còn khoảng 27-30 triệu đồng/tấn, bằng 50% so với thời điểm năm 2015, 2016 nên các DN thu mua mật ong của nông dân với giá rẻ, thậm chí ngừng mua. Anh Thành so sánh: “Trước đây, mùa dưỡng ong tôi thường cho “ăn” đường trắng để nuôi ong chờ đến mùa lấy mật. Bây giờ thì không thể, do giá đường trắng lên đến 20-22 ngàn đồng/kg trong khi mật chỉ khoảng 18 ngàn/kg. Tôi gần như “thả nổi” để đàn ong tự kiếm thức ăn hoặc sử dụng mật ong tồn đọng mà công ty không thu mua để cho ong “ăn” lại. Như vậy chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng gần như không thu hồi lại được khiến chỉ mới gần 1 năm, tôi thua lỗ cả trăm triệu đồng”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 150 hộ nuôi với khoảng 6 ngàn đàn ong mật, tập trung chủ yếu ở Châu Đức, Xuyên Mộc, là các địa phương có diện tích cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê lớn. Mật ong chủ yếu được các thương lái từ Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh thu mua để bán cho các công ty sản xuất mật ong xuất khẩu. Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, thời gian qua giá ong mật vẫn thường tăng, giảm thất thường, tuy nhiên chưa bao giờ ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng như hiện nay. Do đó, nhiều nông dân không trụ được đã bỏ nghề. Đơn cử như tại huyện Châu Đức, thời gian cao điểm có khoảng 150 hộ nuôi thì bây giờ chỉ còn 60-70 hộ với chưa đến 2.000 đàn ong.

Trong khi đó, theo Hội Nuôi ong Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, sản lượng mật ong của Việt Nam giảm từ 50 ngàn tấn/năm xuống còn 30 ngàn tấn/năm. Giá mật ong xuất khẩu cũng bị giảm mạnh trong 3 năm vừa qua, từ 2 ngàn USD/tấn xuống còn 1.300 USD/tấn. Ông Nguyễn Minh Tiến, chủ cơ sở sản xuất mật ong Anh Tiến (huyện Châu Đức) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến mật ong Việt Nam xuất khẩu với giá rất thấp so với các nước khác là do chất lượng mật không đồng đều. Trong đó, một trong những tiêu chí quan trọng là màu mật. Màu mật đẹp hay không do nguồn mật được khai thác từ loại hoa nào, ở vùng nào. Tuy nhiên, nhiều người nuôi ong chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này mà vẫn di chuyển đàn ong đến các vùng lấy mật dựa theo kinh nghiệm. Để khắc phục vấn đề này, cơ sở Anh Tiến đã liên kết 40 hộ nông dân trên địa bàn BR-VT, Đồng Nai, Bình Phước… Các hộ này sản xuất mật ong theo một quy trình chuẩn duy nhất dưới sự giám sát của cơ sở, có ghi rõ nhật ký về thời gian cho ăn, loại thức ăn, thời gian thu hoạch. Cơ sở sẽ hỗ trợ về vốn sản xuất và cam kết thu mua sản phẩm. Do đó, nông dân không còn lo lắng về đầu ra còn cơ sở sản xuất mật ong chủ động được nguồn sản phẩm có chất lượng cao. Hiện nay, mỗi năm cơ sở xuất khẩu 500-700 tấn mật ong sang các thị trường như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, rất ít hộ nuôi ong đáp ứng được các yêu cầu để mật đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.