Nhu cầu tiêu thụ điện liên tục tăng trong những năm gần đây, chỉ tính riêng những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, lượng điện tiêu thụ của cả nước đã liên tục lập kỷ lục từ trước đến nay. Theo EVN, trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện rất có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.
Công nhân Công ty Điện lực BR-VT kiểm tra lưới điện. Ảnh: ĐINH HÙNG |
Những vấn đề nêu trên đã được đặt ra tại “Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 9-8, tại Hà Nội.
Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2003-2018, EVN đã hoàn thành đưa vào vận hành 40 nhà máy điện với tổng công suất 20.586MW. Đến cuối năm 2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống dự kiến đạt 47.768MW (tăng 5,41 lần so với năm 2003) đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Indonesia) và thứ 25 thế giới.
NHU CẦU TIÊU THỤ ĐIỆN LIÊN TỤC TĂNG MẠNH
Theo dự báo trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Đơn cử, vào năm 2020, ngành Điện cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Như vậy, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 là 10,3-11,3%/ năm và giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 8,0-8,5%/năm.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong các năm 2019-2020 nhìn chung cung ứng điện có thể được đảm bảo. Tuy nhiên, nguồn nhiệt điện chạy dầu sẽ phải huy động với sản lượng tương ứng khoảng 4,4 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020. Tuy vậy, trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020, đặc biệt ở miền Nam.
Dẫn chứng thêm, ông Hải cho hay, tình trạng thiếu điện miền Nam có thể tăng cao hơn hoặc kéo dài ra cả giai đoạn đến 2025 trong các kịch bản như phụ tải tăng trưởng cao hoặc lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm. Hơn nữa, là tình trạng chậm tiến độ ở các dự án nhiệt điện than. “Mỗi dự án nhiệt điện than 1.200MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại miền Nam tăng thêm từ 7,2-7,5 tỷ kWh/năm”, đại diện EVN nói.
CHÚ TRỌNG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ
Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong 5 năm 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864MW, trong đó nhiệt điện là 26.000MW. Đại diện EVN cho biết, hiện chỉ có 7 dự án nhiệt điện than với công suất 7.860MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng.
Như vậy, còn trên 18.000MW/26.000MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vào vận hành trong 5 năm tới nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện các năm tiếp theo. Trong khi đó, công suất nhiệt điện than năm 2030 so với năm 2020 cơ bản không thay đổi tỉ lệ % công suất 42,7% (2020) so với 42,6% (2030), nhưng điện năng cung cấp tăng 10,6%.
Tuy vậy, hiện nay đang có một số những quan điểm cho rằng các nhà máy nhiệt điện đốt than là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư xung quanh nhà máy. “Đây là một trong những lý do dẫn đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ngày càng gặp khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của địa phương và người dân nơi dự kiến xây dựng nhà máy”, đại diện TKV thông tin tại hội thảo.
Theo ý kiến của các chuyên gia, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là làm sao để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn tài nguyên hóa thạch dần cạn kiệt. Hầu hết các quốc gia đều đang chịu áp lực về nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế.
Thống kê của Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho thấy, năm 2017, sản xuất và mua điện khoảng 199 tỷ kWh. Trong đó, năng lượng tái tạo chiếm 44,2% còn 54,6% từ nhiên liệu hóa thạch (khí, than, dầu) và nhập khẩu 1,2%.
Mặc dù tiềm năng của năng lượng tái tạo rất lớn nhưng theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi đầu tư lớn ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, cấp điện, nước thi công,…).
Trong khi ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam dừng các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận thì quy hoạch điện VII đã có khoảng trống và cần phải có giải pháp để thay thế.
Đứng trước bài toán về nguồn cung năng lượng, ông Quân cho rằng, Việt Nam cần tự chủ được công nghệ về nguồn năng lượng tái tạo, nhất là nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
“Nhiều nước nhỏ hơn còn xuất khẩu công nghệ và vươn ra thế giới, nên các nhà khoa học cần tập trung vào việc làm chủ công nghệ tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước”, ông Quân kiến nghị.
Tại hội thảo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho biết, mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn tới sẽ thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng tái tạo, bao gồm: Thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học.
Bên cạnh đó là duy trì tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp ở trên mức 30% đến năm 2035, đồng thời hướng tới việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và tăng cường bảo vệ môi trường.
ĐỨC DUY