Lan tỏa phong trào "Tự hào hàng Việt"

Thứ Tư, 22/08/2018, 15:27 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 21 năm phát động, đến nay, chương trình “Tự hào hàng Việt” đã lan tỏa sâu rộng đến tận vùng sâu, vùng xa, góp phần giúp DN trong nước mở rộng thị trường, từng bước thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

DN ĐỒNG HÀNH

Người dân huyện Long Điền chọn mua các sản phẩm hàng gia dụng của thương hiệu nhôm Kim Hằng. 
Người dân huyện Long Điền chọn mua các sản phẩm hàng gia dụng của thương hiệu nhôm Kim Hằng. 

Sau 21 năm gắn bó với chương chình “Tự hào hàng Việt”, năm 2018, Saigon Co.op tiếp tục triển khai các hoạt động bán hàng trong tháng khuyến mãi “Tự hào hàng Việt 21 năm đồng hành”. 

Theo đó, từ nay đến ngày 5-9-2018, tại hơn 100 Siêu thị Co.op Mart và Co.op Xtra trên toàn quốc, trong đó có Co.op Mart BR-VT, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn được triển khai thực hiện. Trong thời gian này, Saigon Co.op sẽ đồng loạt giảm giá đến 50% hơn 10.000 sản phẩm sản xuất trong nước trong chương trình “Tự hào hàng Việt 2018”. Ngoài các chương trình hàng Việt tại siêu thị, hàng năm, Saigon Co.op còn tham gia các chuyến hàng Việt về nông thôn do Sở Công thương tổ chức. Năm 2018, siêu thị đã tham gia 2 đợt đưa hàng về Côn Đảo và đang chuẩn bị cho chuyến thứ 3 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới. Ông Cao Thanh Mai, Chủ tịch Công đoàn – phụ trách bán hàng lưu động Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu cho biết: Bên cạnh việc ưu tiên quảng bá cho hàng Việt một cách xuyên suốt, “Tự hào hàng Việt” là chương trình quy mô nhất hàng năm của Saigon Co.op dành cho hàng hóa sản xuất trong nước với mức đầu tư không ngừng tăng lên qua mỗi năm. Trong đó, chương trình tập trung thực hiện giảm giá sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng, qua đó giúp nâng cao uy tín và gia tăng sức mua của các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người tiêu dùng. Riêng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các mặt hàng tiêu thụ chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu (quần áo, đồ gia dụng…), hóa mỹ phẩm (dầu gội, bột giặt, sữa tắm…) phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Ngoài Co.op Mart, một số DN trong tỉnh như: Xúc xích Phương Khoa, nước mắm Ánh Phương, giày dép Lương Phương Thảo, cà phê Nón Lá, mật ong Hạnh Phúc… cũng tích cực giới thiệu, quảng bá các sản phẩm do DN sản xuất đến với người tiêu dùng. Ông Trương Viết Văn, Giám đốc Công ty TNHH nước mắm Ánh Phương (ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cho biết, hiện nay, các loại nước mắm của công ty được sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Công ty đã tham gia nhiều chương trình hàng Việt về nông thôn của Sở Công thương. Trung bình mỗi đợt, công ty chuẩn bị khoảng 120 thùng (12 chai/thùng) nước mắm loại I, II, III để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá bán các loại nước mắm tại các chương trình hàng Việt về nông thôn luôn thấp hơn giá thị trường. Ngoài ra, công ty còn có chương trình ưu đãi cho người dân như: Mua 2 tặng 1. Mỗi đợt đưa hàng Việt về nông thôn, doanh thu của công ty đạt 30-40 triệu đồng. 

CHIẾM LĨNH CHỢ NÔNG THÔN

Khách hàng chọn mua sản phẩm bánh tráng do DN Việt Nam sản xuất  tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu. 
Khách hàng chọn mua sản phẩm bánh tráng do DN Việt Nam sản xuất tại Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu. 

Khảo sát tại một số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy, các mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam chiếm tới trên 90% thị phần. Anh Đinh Tấn Đảm, chủ cửa hàng Xuân Cường (chợ thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, cửa hàng của anh chuyên bán đồ sành, sứ. Trước đây, ngoài đồ sành, sứ Việt Nam, cửa hàng còn bán hàng Trung Quốc. Vài năm trở lại đây, anh chuyển sang nhập 100% hàng sành, sứ của các DN trong nước như CK, Hải Dương… và không còn bán hàng Trung Quốc. Anh Đinh Tấn Đảm nói: “Hàng sành, sứ do các DN trong nước sản xuất mẫu mã đẹp, hoa văn đa dạng gắn với các hình ảnh hoa lá quen thuộc của Việt Nam như: Sen, tre, trúc, chim lạc… được người tiêu dùng ưa chuộng, giá cũng phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn. Chẳng hạn, bộ ấm chén màu trắng Hải Dương có hoa văn hoa sen giá chỉ 200.000 đồng/bộ, còn chén cũng chỉ 45.000-65.000 đồng/chục... Sức tiêu thụ các sản phẩm này khá mạnh”.

Về phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Phương (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) chia sẻ: “Trước đây, khi mua sắm các loại đồ gia dụng, ngoài để ý về công năng sử dụng, tôi chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá cả chứ ít khi chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nên nhiều khi hay mua phải các mặt hàng Trung Quốc. Bây giờ, mỗi khi mua hàng, tôi luôn xem xét rất kỹ về nguồn gốc sản phẩm, luôn ưu tiên chọn mua hàng Việt, vì giá cả phải chăng, lại yên tâm về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm”.

Khách hàng chọn mua các sản phẩm nước mắm của Công ty TNHH nước mắm Ánh Phương (huyện Xuyên Mộc) được bày bán tại Co.op BR-VT. Ảnh: VÂN ANH
Khách hàng chọn mua các sản phẩm nước mắm của Công ty TNHH nước mắm Ánh Phương (huyện Xuyên Mộc) được bày bán tại Co.op BR-VT. 

Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, thị trường nông thôn đang chiếm 60-70% tổng lượng hàng hóa của toàn tỉnh. Thời gian qua, các cơ quan chức năng, DN trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần giúp hàng Việt mở rộng thị trường, đồng thời kích thích người dân sử dụng hàng hóa trong nước. Ông Trương Văn Thôi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, 8 tháng đầu năm 2018, hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại đã được Trung tâm Xúc tiến thương mại và Liên minh HTX tỉnh tổ chức, nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, hải đảo, KCN đã được triển khai. Qua các chương trình này, các DN trong nước nói chung, DN trong tỉnh nói riêng có điều kiện mở rộng thị trường, người tiêu dùng nông thôn cũng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng cao. Mục tiêu phát triển thương mại của tỉnh đến năm 2020 xác định, phát triển các kênh phân phối hàng hóa từ quy mô nhỏ, manh mún, phân tán trở thành các hệ thống và các kênh phân phối mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân từ 18-20%. 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.