Kinh tế trang trại khởi sắc

Thứ Năm, 30/08/2018, 15:53 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại theo Nghị quyết 07-NQ/TU về phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động địa phương cũng như góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

GẮN SẢN XUẤT VỚI TIÊU THỤ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình trang trại kết hợp với phát  triển du lịch. Trong ảnh: Trang trại trồng cây có múi 2,7ha của ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) thu hút  nhiều khách du lịch tham quan, mua trái cây.  Ảnh: DƯƠNG TẤN LINH
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình trang trại kết hợp với phát triển du lịch. Trong ảnh: Trang trại trồng cây có múi 2,7ha của ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) thu hút nhiều khách du lịch tham quan, mua trái cây. Ảnh: DƯƠNG TẤN LINH

Trang trại Minh Quang (ấp Phú Lâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) của ông Lê Văn Tường là một điểm sáng trong phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. Hiện tại trang trại Minh Quang có diện tích 3,4ha, trong đó có 2,4ha trồng nhãn xuồng cơm vàng theo chuẩn VietGAP. Toàn bộ diện tích được trồng, chăm sóc, bón phân theo mô hình hữu cơ với hệ thống tưới phun tự động, các gốc cây được đánh mã số để tiện theo dõi quá trình sinh trưởng, ra hoa, kết trái sau mỗi vụ. Ông Lê Văn Tường cho biết, từ đầu năm 2017 trang trại của ông đã ký hợp đồng với siêu thị U-MART (TP. Vũng Tàu) nên không lo về thị trường tiêu thụ. Ngoài ra sản phẩm của trang trại Minh Quang còn cung cấp cho một số siêu thị, nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Đối với những sản phẩm không đạt yêu cầu vào nhà hàng, siêu thị ông bán cho các cơ sở sấy quả tươi. Hiện nay 1ha nhãn xuồng cơm vàng của trang trại thu hoạch khoảng 10-12 tấn/vụ, với mức giá trung bình từ 62.000 đồng-65.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí ra hàng năm trang trại Minh Quang thu lãi khoảng 700-800 triệu đồng/năm. Đồng thời trang trại còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10-12 lao động tại địa phương trong mùa thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Trang trại cũng đang thử nghiệm bảo quản nhãn xuồng cơm vàng sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học để kéo dài thời gian bảo quản và nâng cao giá trị cho trái nhãn xuồng cũng như có thể cung cấp ra các thị trường ngoài tỉnh.

Trang trại chăn nuôi heo với hệ thống chuồng khép kín, máng ăn tự động của ông Phạm Nhật Trường (ấp 2,  xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc). Ảnh: MINH AN
Trang trại chăn nuôi heo với hệ thống chuồng khép kín, máng ăn tự động của ông Phạm Nhật Trường (ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc).

Ông Lê Văn Tường cho biết thêm, hiện ông đang chuẩn bị trồng thêm 1ha vú sữa và mít quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ để xuất khẩu. Theo đó, ông đã xây dựng xong phương án trồng theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong quá trình canh tác để bảo đảm yêu cầu sản phẩm xuất khẩu. Hồ sơ này nộp về Sở KHCN với tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Nếu được Quỹ KHCN hỗ trợ một phần ông sẽ tiến hành thực hiện ngay trong đầu năm 2019.

Trong khi chuối cấy mô của các hộ dân trồng diện tích nhỏ lẻ đang bí đầu ra, giá giảm sâu thì tại huyện Châu Đức, trang trại trồng 115ha chuối của Công ty Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Thiện Thoa lại không đủ nguồn hàng để xuất khẩu. Theo ông Lê Quốc Trầm, đại diện Công ty Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Thiện Thoa, chuối được trồng theo quy trình VietGAP, kiểm soát chặt về chất lượng giống, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, bảo quản. Sản phẩm chuối của công ty bảo đảm 62 tiêu chí về ATVSTP. Hiện nay, chuối cấy mô do công ty sản xuất đã có mặt tại thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, do diện tích trồng còn quá ít nên DN mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu.

CẦN TIẾP TỤC HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TRANG TRẠI

Trang trại chăn nuôi của ông Đào Văn Trọng (ấp 4, xã Bưng Riềng,  huyện Xuyên Mộc) cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Trang trại chăn nuôi của ông Đào Văn Trọng (ấp 4, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Theo Sở NN-PTNT, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 335 trang trại đang hoạt động, trong đó có 208 trang trại chăn nuôi, 111 trang trại trồng trọt, 10 trang trại nuôi trồng thủy sản và 6 trang trại tổng hợp. Bình quân mỗi trang trại đạt doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng/năm. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, kinh tế trang trại đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản…

Tuy nhiên, bên cạnh đó hiện nay việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp không ít khó khăn. Đó là thiếu đất sản xuất đang làm hạn chế việc phát triển kinh tế trang trại. Theo đó, để đạt tiêu chí trang trại, hộ nông dân phải có khoảng từ 2,1ha-3,1ha. Nhưng hiện nay, đa số các địa phương không còn quỹ đất mới để giao cho nông hộ làm trang trại. Do đó, phần lớn các hộ nông dân phải dồn điền đổi thửa, hoặc phải thuê mướn, mua bán... Ngoài ra, địa phương cần hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại, vốn, khoa học kỹ thuật... Ông Võ Thành Cang, chủ trang trại chăn nuôi heo Vĩnh Tân (TX. Phú Mỹ) cho biết, với tổng diện tích khoảng 15ha, trang trại chăn nuôi Vĩnh Tân đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng nuôi 2.800 heo nái theo mô hình chuồng trại khép kín (trại lạnh tự động), kiểm soát chặt chẽ an toàn sinh học và cung cấp con giống đạt chất lượng cao. Từ kinh nghiệm cho thấy, để tồn tại và phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại phải làm chủ 4 yếu tố gồm: năng suất cao; giá thành sản xuất thấp; thị trường tiêu thụ ổn định; phòng tránh, hạn chế được thiên tai dịch bệnh. Đồng thời, tỉnh và các cơ quan chức năng như Sở NN-PTNT cần tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất cho nông dân. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các trang trại tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp đề xuất, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh BR-VT cần quy hoạch vùng phát triển kinh tế trang trại gắn với các loại hình trang trại, hình thành và phát triển vùng chuyên canh cao su, hồ tiêu, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, các vùng chăn nuôi tập trung... Mỗi trang trại có một vài sản phẩm chủ lực, sản xuất theo quy trình VietGAP với công nghệ cao, được tiêu thụ ở thị trường lớn, cố định tạo thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đây cũng là cơ sở để xây dựng và quảng bá thương hiệu ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung.

MINH AN

;
.