Hồi sinh vùng trồng lúa nhiễm mặn

Thứ Sáu, 24/08/2018, 16:51 [GMT+7]
In bài này
.

Trước đây, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ là vựa lúa lớn của tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nhiều ruộng lúa nhiễm mặn nên năng suất giảm mạnh, thậm chí phải bỏ hoang. Hiện nay, một số nông dân trên địa bàn xã đã áp dụng kỹ thuật “ép mặn, ép phèn” để hồi sinh diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Hùng Sĩ kiểm tra sự phát triển của lúa.
Ông Nguyễn Hùng Sĩ kiểm tra sự phát triển của lúa.

Ông Lê Hùng Sĩ (ấp An Bình, xã Lộc An) là người tiên phong áp dụng kỹ thuật “ép mặn, ép phèn” để trồng lúa trên ruộng bị nhiễm mặn. Ông Sĩ cho biết, 2ha lúa trước đây canh tác tốt, cho hiệu quả cao và là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2013, do nước biển dâng nên ruộng lúa bị xâm nhập mặn, phải bỏ hoang. Ông đã dùng nhiều cách để khắc phục như trồng giống lúa chịu mặn, xử lý đất bằng vôi bột khử phèn, tuy nhiên không mang lại kết quả. Không bỏ cuộc, năm 2015, ông Sĩ học hỏi và áp dụng kỹ thuật “ép mặn, ép phèn” từ các hộ làm ao nuôi tôm trên địa bàn vào ruộng lúa và cho hiệu quả cao. Theo ông Sĩ, quan trọng nhất trong kỹ thuật “ép mặn, ép phèn” này là đào các mương sâu xung quanh ruộng lúa và có đập ngăn. Mỗi khi nước trong ruộng lúa nhiều, phèn nổi trên mặt nước và tràn qua đập ngăn chảy ra mương ngoài. “Còn để xử lý độ mặn, tôi đặt các ống dẫn dưới đáy xung quanh ruộng. Do nước mặn nằm dưới ruộng nên theo đó chảy ra rãnh chứa. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên bơm nước ngọt vào ruộng để xả độ mặn”, ông Sĩ cho hay.  

Trước đây do chỉ sản xuất được 1 vụ lúa vào mùa mưa nên năng suất chỉ đạt từ 3 đến 4 tấn/ha, nhưng kể từ khi áp dụng phương pháp “ép mặn, ép phèn”, gia đình ông Sĩ sản xuất được 3 vụ lúa/năm, với năng suất đạt 5-6 tấn/1ha. Sau một thời gian thử nghiệm thành công phương pháp ép này, gia đình ông đã mạnh dạn thuê lại hơn 10ha ruộng lúa bỏ hoang của bà con trong vùng để sản xuất lúa. Hiện mỗi năm gia đình ông thu khoảng 300 triệu đồng nhờ trồng lúa trên đất nhiễm phèn

Sau khi áp dụng thành công, ông Sĩ đã hướng dẫn cho nhiều hộ lân cận kỹ thuật này để nâng cao hiệu quả trồng lúa. Ông Trịnh Văn Bông (ấp An Bình, xã Lộc An) cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật này. “Dù chi phí để sản xuất lúa theo phương pháp “ép mặn, ép phèn”  tăng cao hơn các ruộng lúa bình thường từ 2-3 triệu đồng/vụ/ha nhưng bù lại, thay vì bỏ hoang thì nay mỗi năm làm được 3 vụ, năng suất từ 3,5-4 tấn/vụ nay tăng lên 5,5-6 tấn/vụ, lãi từ 20-25 triệu đồng/ha, tôi thu về gần 100 triệu đồng từ trồng lúa/năm”.

Ông Pham Duy Ân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An cho biết, toàn xã có khoảng 30ha diện tích trồng lúa, trong đó nhiều diện tích bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nên nhiều nông dân phải bỏ hoang ruộng. Việc một số hộ áp dụng thành công kỹ thuật “ép mặn, ép phèn” vào trồng lúa đã giúp bà con nông dân trên địa bàn xã tăng năng suất và thu nhập, tránh lãng phí nguồn đất canh tác.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ, diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu ở các xã Lộc An, Phước Hội, thị trấn Phước Hải, Láng Dài nên chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu dẫn đến xâm nhập mặn vào đồng ruộng. Những năm qua, hệ thống kênh mương, đê điều ngăn mặn đã được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, một số diện tích canh tác lúa không hiệu quả đã được cải tạo, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản nước lợ hoặc trồng rừng phòng hộ. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng 120ha diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Mô hình áp dụng kỹ thuật “ép mặn, ép phèn” trên ruộng lúa tại xã Lộc An thành công đã mở ra hướng đi mới cho nông dân. Nhằm “hồi sinh” các vùng trồng lúa nhiễm mặn trên địa bàn huyện, hiện nay ngành nông nghiệp huyện Đất Đỏ đang xây dựng các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa trên đất nhiễm mặn cho nông dân, giúp nông dân nắm rõ kỹ thuật “ép mặn, ép phèn”, việc chọn giống lúa chống mặn và cách canh tác phù hợp với các chân ruộng bị nhiễm mặn.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
;
.