"Đầu tàu" dầu khí vẫn lọt vào TOP nộp thuế dù nhiều biến động

Thứ Ba, 07/08/2018, 17:13 [GMT+7]
In bài này
.

Mấy năm trở lại đây, trong bối cảnh không mấy thuận lợi từ việc giá dầu suy giảm kéo dài, tác động mạnh tới mọi mặt hoạt động, nhưng nhiều DN thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước.

Kỹ sư, công nhân PV Gas trong giờ sản xuất.
Kỹ sư, công nhân PV Gas trong giờ sản xuất.

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

Cuối tuần qua, trong lễ công bố 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2017, diễn ra tại Hà Nội, nhiều DN dầu khí tiếp tục được ghi nhận nằm trong nhóm những DN nộp thuế TNDN lớn nhất của nền kinh tế. Đó là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) đứng thứ 3; Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ 18; Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) đứng thứ 27…

Đây không phải là lần đầu tiên PV Gas được ghi nhận nằm trong nhóm những DN nộp thuế TNDN lớn nhất, mà trong nhiều năm liền, PV Gas là đơn vị lọt vào Top 10 DN nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Theo lãnh đạo PV GAS, năm 2017, mặc dù gặp không ít khó khăn do một số hệ thống khí đưa vào hoạt động đã lâu, chi phí bảo dưỡng sửa chữa ngày một lớn. Tuy nhiên, do lường trước những khó khăn  nên PV GAS đã chủ động thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, ấn định - điều độ khí hợp lý, thực hiện chế độ vận hành tối ưu, tăng cường công tác tiết giảm chi phí, kiểm soát và thu hồi công nợ, kiểm tra giám sát, giao ban công trường... Nhờ đó, năm 2017, đơn vị đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính từ 22-76% so với kế hoạch, đóng góp vào ngân sách gần 4.000 tỷ đồng. 

Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro trong năm 2017 cũng gặp nhiều khó khăn. Hoạt động khai thác của đơn vị bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm sản lượng ở nhiều giếng dầu (các giếng của mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng, mỏ Thỏ Trắng). Tuy nhiên, nhờ áp dụng các biện pháp như tăng cường công việc tự thực hiện, giảm thiểu thuê ngoài, quản lý và sử dụng ngân sách tiết kiệm và hiệu quả cũng như giãn tiến độ một số công việc chưa thực sự cần thiết nên  một số chỉ tiêu vượt so với kế hoạch đề ra. Doanh thu bán dầu, khí của đơn vị đạt 1,97 tỷ USD (đạt 103,5% kế hoạch năm); nộp thuế hơn 788 triệu USD.

VỀ ĐÍCH TRƯỚC HẸN

Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2017, xác định các khó khăn phải đối mặt, ngay từ đầu năm 2018, PVN đã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao. Do vậy, tính đến thời điểm này, nhiều DN thuộc PVN đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, tại PV Gas, tính đến đầu tháng 7 đã hoàn thành vượt mức từ 35-65% các chỉ tiêu tài chính, tăng từ 12-30% so với cùng kỳ năm 2017. Theo PV Gas, từ nay đến cuối năm, dự kiến giá dầu tiếp tục ở mức cao so kế hoạch, là điều kiện thuận lợi để PV GAS có kết quả kinh doanh tốt. PV GAS tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Vận hành an toàn, ổn định, liên tục hệ thống công trình khí; phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt công tác vận hành, ấn định, điều độ khí để cấp tối đa khí và các sản phẩm khí; thực hiện có chất lượng công tác bảo dưỡng sửa chữa trong các đợt dừng khí tháng 8 và 9-2018 của các hệ thống khí, đảm bảo an toàn, giảm tối đa thời gian dừng cấp khí. Trong 6 tháng cuối năm, PV GAS đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 3.049 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.388 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vietsovpetro cũng đặt ra mục tiêu năm 2018 đạt doanh thu 1,56 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước Việt Nam hơn 631 triệu USD.

Theo đánh giá của PVN, trong những năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, với ý thức về trách nhiệm là tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, xác định kết quả hoạt động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia và nguồn thu ngân sách Nhà nước, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên PVN đã chủ động vượt khó, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tính đến đầu tháng 7-2018, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 284.500 tỉ đồng, vượt 21% so với kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước 52.800 tỉ đồng, vượt 49%.

Theo ghi nhận tại Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của PVN, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Tập đoàn là 48.220 tỷ đồng, tăng 21.757 tỷ đồng (tương đương 82,2%) so với năm 2016 (lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Tập đoàn Dầu khí là 26.463 tỷ đồng). Tổng tài sản của Tập đoàn Dầu khí cũng được ghi nhận tăng 14.093 tỷ đồng (từ 770.511 tỷ năm 2016 lên 784.604 tỷ đồng năm 2017), trong đó, tài sản ngắn hạn là 302.971 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 481.633 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2017 là 441.983 tỷ đồng, tăng 9.525 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu ghi nhận tại thời điểm lập Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 là 432.458 tỷ đồng). Như vậy, tổng cộng nguồn vốn của PVN ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2017 là 784.604 tỷ đồng.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.