"Click chuột" đi chợ, hàng giao tận nhà
Các mặt hàng thực phẩm, nông sản tươi sống, trước đây vốn là nhóm mặt hàng khó kinh doanh online. Tuy nhiên, hiện nay, mọi thứ đã thay đổi. Ở khu vực đô thị, nhiều đơn vị, DN đã thiết lập kênh mua - bán online bài bản, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, nhất là với những người hạn hẹp về thời gian.
Giao diện website kinh doanh nông sản sạch của Vifarm.
|
Vừa đặt mua một số loại rau cho gia đình từ website của Vifarm, chị Đỗ Thị Hiền (nhà ở hẻm 135, Võ Văn Tần, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Gần đây, tôi thường mua thực phẩm trực tuyến. Mặc dù giá thực phẩm mua online có cao hơn so với giá bán ở chợ, nhưng đổi lại là rất tiện lợi và cảm giác an tâm về chất lượng”. Còn chị Hoàng Kim Liên (nhà ở hẻm 52, Đô Lương, phường 11, TP. Vũng Tàu) cho biết, công việc văn phòng bận rộn, chỗ làm xa nhà nên thường đi sớm về muộn. “Tôi thường mua thực phẩm qua các trang như Vifarm, hoặc Sao Mai hay Lekima, là những DN thuộc chuỗi thực phẩm an toàn của tỉnh, nên sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ. Sau khi đặt hàng, người bán giao hàng tận nhà, giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian”, chị Kim Liên nói.
“Click chuột” đi chợ có thể coi là một xu thế của cư dân khu vực đô thị. Xu thế này xuất phát từ việc, người tiêu dùng cầu kỳ hơn về mua thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, nhưng bản thân họ lại rất hạn chế về thời gian. Mặt khác, các DN, HTX sản xuất nông sản an toàn muốn khép kín khâu sản xuất - tiêu thụ và họ có đủ điều kiện để bảo quản thực phẩm, nông sản, cũng như thực hiện việc giao hàng tận nhà với chi phí phù hợp.
Có thể thấy, phương thức mua - bán thời “số hóa” đã mở ra thị trường tiêu thụ tiềm năng cho loại hình kinh doanh thực phẩm online. Ông Kiều Văn Lành, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Âu Cơ cho biết: “Trên kênh bán hàng trực tuyến của công ty, ngoài giới thiệu hình ảnh sản phẩm, chúng tôi còn đăng tải clip quy trình trồng rau củ, trái cây trong nhà màng, nhà lưới. Đây là một cách giúp người tiêu dùng yên tâm về sản phẩm mình đặt mua”. Tại các đơn vị khác như Vifarm, Sao Mai, Sunny Farm… cũng đang triển khai giải pháp mua bán online tương tự.
Vùng sản xuất rau an toàn của Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Âu Cơ.
|
Kinh doanh thực phẩm online không tốn tiền thuê mặt bằng, vốn ít, nên tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, giá thực phẩm sẽ cao hơn so với phương thức mua - bán truyền thống. Tham khảo giá tại một số cửa hàng online cho thấy, mặt hàng rau khi mua online có thể cao hơn mua tại các chợ truyền thống từ 5.000 - 20.000 đồng/kg; các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm có sự chênh lệch khá cao, từ 25.000 - 40.000 đồng/kg.
Ngoài ra, theo các DN, việc kinh doanh thực phẩm online rất giới hạn về mặt không gian. Thường các DN chỉ nhận giao hàng trong phạm vi nhất định. Anh Cao Xuân Mạnh, một trong hai người đồng sáng lập Vifarm cho biết: Hiện Vifarm mới chỉ giao hàng miễn phí cho khách đặt hàng rau, củ của Vifarm ở khu vực TP. Vũng Tàu. Ở ngoài phạm vi TP. Vũng Tàu, chỉ khi khách hàng đặt mua với số lượng lớn thì DN mới xem xét việc tiếp nhận đơn hàng.
Tương tự, ông Kiều Văn Lành, Phó Giám đốc Công ty Âu Cơ cũng cho biết: “Hiện công ty cũng chỉ giao tận nơi cho khách hàng miễn phí trong nội ô TP. Bà Rịa, nơi công ty có cửa hàng. Còn đối với khách ngoài phạm vi TP. Bà Rịa, nếu đơn hàng đặt từ 30kg trở lên chúng tôi mới nhận giao và khách hàng phải trả phí vận chuyển tùy theo chiều dài quãng đường”.
Kinh doanh thực phẩm online đang là xu hướng mới và có thể phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng như phương thức mua - bán truyền thống, người tiêu dùng cần tìm đến những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ai.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU