Hầm Cửa Lục - Công trình chiến lược của Quảng Ninh
TP.Hạ Long (Quảng Ninh) được chia cách thành 2 khu vực Hòn Gai và Bãi Cháy bởi vịnh Cửa Lục. Giao thông kết nối độc nhất hiện nay đó là cầu Bãi Cháy. Tuy nhiên, mỗi năm thành phố hứng chịu từ 3-4 trận bão, gió mạnh, khiến phương tiện giao thông rất khó để lưu thông trên cầu. Đã nhiều thời điểm phải cấm cầu, gây tê liệt giao thông cục bộ. Một công trình kết nối 2 khu vực ngay cả trong ngày bão đang là mong ước của người dân thành phố.
Các ý tưởng thiết kế hầm Cửa Lục được đơn vị tư vấn, thiết kế đặt ra với tỉnh Quảng Ninh. |
Khi cầu Bãi Cháy hoàn thành và được đưa vào sử dụng năm 2006, thay thế những chuyến phà qua vịnh Cửa Lục đã đáp ứng được niềm mong mỏi của người dân. Đồng thời, tạo sự thuận lợi, hiện đại hơn đối với giao thông của TP. Hạ Long nói riêng và của tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Theo đánh giá của người dân TP. Hạ Long, từ khi có cầu, giao thông đi lại tương đối thuận lợi, an toàn và rút ngắn được thời gian di chuyển giữa 2 bờ của thành phố. Tuy nhiên những năm gần đây, khi mật độ phương tiện qua cầu ngày càng tăng, cũng đã khiến giao thông ở đây phức tạp hơn. Chỉ cần một vụ tai nạn nhỏ trên cầu, lượng xe ùn tắc có thể kéo dài cả cây số rất nhanh. Vào những ngày mưa bão lớn, để đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng buộc phải tạm dừng lưu thông trên cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Song song với đó, TP. Hạ Long đang trong lộ trình xây dựng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, nhiều công trình, điểm đến đã hình thành, được kết nối thành chuỗi du lịch, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu; Công viên Hạ Long; Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm; di tích núi Bài Thơ, các trung tâm mua sắm... Do vậy, việc lưu thông giữa các điểm đến trong chuỗi sản phẩm du lịch giữa 2 khu vực của thành phố cũng diễn ra rất thường xuyên, ngày càng đòi hỏi giao thông phải có sự thông suốt, nhanh chóng hơn.
Đây là những nguyên nhân cơ bản để tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng công trình hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục. Công trình này, ngay từ khi lên ý tưởng đã thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân, các chuyên gia kinh tế cũng như các nhà đầu tư, bởi sự độc đáo, hiện đại và mang tầm chiến lược của tỉnh.
Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Ý tưởng về công trình hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục đã có trong Quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh đến năm 2020 và được xếp hạng là công trình cấp đặc biệt, ưu tiên thực hiện. Để chủ động trong công tác điều hành, tháng 5-2018 tỉnh đã quyết định thành lập Ban Quản lý Dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, tổ chức các buổi tiếp xúc, nghe đơn vị tư vấn trong và ngoài nước trình bày ý tưởng thiết kế. Do đây là công trình cấp đặc biệt, vì thế các phương án cần được lựa chọn kỹ lưỡng, tối ưu nhất, đáp ứng các yêu cầu thực tế. Do đó, sẽ mất nhiều thời gian để tỉnh lựa chọn, cân nhắc phương án thi công phù hợp với môi trường, cảnh quan Di sản - kỳ quan Vịnh Hạ Long, đảm bảo kết nối thuận lợi, an toàn, phù hợp với các hạ tầng liền kề đã đầu tư.
Được biết, hiện đang có 3 đơn vị tư vấn thiết kế trình bày ý tưởng đầu tư hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, gồm: Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty CP FECON và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải. Theo đó, có 2 phương án thi công được đưa ra đó là hầm khoan TBM và phương án hầm dìm. Theo các đơn vị tư vấn, 2 phương án hầm này đều sử dụng công nghệ thi công tiên tiến nhất hiện nay, đã áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới, đưa vào khai thác hiệu quả, an toàn.
Phối cảnh đường vào hầm Cửa Lục do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải thiết kế. |
Tuy nhiên, vị trí thi công hầm Cửa Lục lại tương đối phức tạp do là cửa sông, nước chảy xiết, điều kiện tự nhiên có hang caster. Đồng thời, đây lại là luồng giao thông hàng hải của một số cảng, vì thế, các phương án thiết kế, công tác tổ chức thi công phải được tính toán kỹ lưỡng. Do đó, cần thời gian để tiếp tục thu thập, bổ sung thêm tư liệu thực tế nhằm thiết kế cho phù hợp, hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi và chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thực hiện.
Có thể thấy rằng, việc đầu tư xây dựng hầm Cửa Lục là mong mỏi chính đáng của người dân. Bởi, làm đường hầm dưới biển là phương án giao thông được rất nhiều nước lựa chọn đầu tư, vừa đảm bảo giao thông, thông xe cả 4 mùa, vừa thúc đẩy kết nối, phát triển giữa các khu vực trong cùng địa bàn, tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn, phá thế độc đạo của cây cầu Bãi Cháy đang bước vào giai đoạn đầu của mãn tải.
Để đảm bảo hài hòa giữa các công trình đang có, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các phần việc, dự kiến công trình sẽ khởi công trong năm 2019, hoàn thành thi công sau 5 năm. Đây sẽ là một biểu tượng mới của ngành GT-VT, công trình mang dấu ấn thế kỷ.
ĐỖ PHƯƠNG
Theo Báo Quảng Ninh