Theo tính toán của các DN, một container ra vào khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) theo đường bộ, đang phải cõng hàng chục loại chi phí. Riêng chi phí vận tải chiếm tới 60% trong tổng số chi phí của dịch vụ logistics. Điều này dẫn đến kìm hãm sự phát triển của hệ thống cảng CM-TV, khó giải quyết tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Vận chuyển hàng container tại cảng Quốc Tế-Cái Mép (CMIT). |
Bãi chứa hàng container tại Tân cảng - Cái Mép (TCIT). |
CHI PHÍ ĐẮT ĐỎ
Một số DN thường xuyên có hàng hóa container xuất - nhập ở cụm cảng CM-TV cho biết, một container đến hoặc rời CM-TV đang phải “cõng” đủ các loại chi phí. Cụ thể: Xe container đến lấy hàng tại cảng phải nộp cước phí xếp dỡ từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/container; xếp dỡ từ tàu lên xe ngay khu vực cầu cảng, giá từ 280- 490 ngàn đồng/container. Ngoài ra, nhiều khoản chi phí khác DN phải chịu (chi phí mất cân đối container, quản lý container, phí telex, phí vệ sinh, phí sửa container...). Sau khi xe ra khỏi cảng, DN phải cho trả thêm tiền phí đi đường, xăng, dầu và tiền qua trạm thu phí… Dẫn tới, chi phí vận tải chiếm tới gần 60% tổng chi phí logistics, do tỷ trọng vận tải hàng hóa về khu vực cảng CM-TV chủ yếu vẫn thông qua đường bộ.
Ông Nguyễn Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen nêu dẫn chứng cụ thể: Hiện chi phí vận chuyển một container hàng từ cảng CM-TV về Nhơn Trạch quá đắt so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Cát Lái về Đồng Nai, Bình Dương. Đường từ Nhơn Trạch về Cái Mép chỉ dài 40km nhưng chi phí vận chuyển một container lên đến 4,3 triệu đồng, trong khi đoạn đường từ Nhơn Trạch về Cát Lái dài 80km nhưng chi phí vận chuyển chỉ khoảng 3,3 triệu đồng/container. So với chi phí vận tải bằng đường thủy, chi phí vận tải đường bộ đắt gấp 7 lần. Cụ thể, nếu dùng sà lan chuyển hàng từ Cái Mép về Cát Lái thì tốn chi phí 27 USD/container (hơn 600 ngàn đồng), thấp hơn nhiều so với vận chuyển bằng đường bộ (4,3 triệu đồng/container). “Chi phí vận tải cao là một trong những lý do khiến các DN ngại đưa hàng về CM-TV”, ông Nguyễn Minh Khoa cho biết.
Lý giải mức chi phí cao so với dịch vụ logistics ở các tỉnh khác, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội logistics Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Giao nhận Quốc tế Intelog cho rằng: Do hệ thống giao thông kết nối ở khu vực CM-TV chưa hoàn thiện, thiếu hạ tầng kết nối các khu vực cảng với khu vực tập trung hàng hóa; thiếu các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ chuyên dụng. Đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt với hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển chưa có. Thêm vào đó, vận tải bằng đường bộ từ CM-TV về Cát Lái mỗi xe container phải qua 3 trạm thu phí, với tổng phí 640 ngàn đồng.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics diễn ra vào cuối tháng 4-2018, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GT-VT cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn tới chi phí logistics tại khu vực cảng CM-TV cao còn do tình trạng ùn ứ giao thông đường bộ. Cung đường từ CM-TV đến các tỉnh lân cận khác chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ 51, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải; đường liên cảng CM-TV đang được triển khai xây dựng; cầu Phước An nối đường liên cảng với Nhơn Trạch và cao tốc Biên Hòa - Long Thành tỉnh đang phối hợp với tỉnh Đồng Nai kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu chưa được triển khai xây dựng. Về hệ thống giao thông kết nối nội vùng, mới chỉ có đường 965 đã hoàn thành; đường 991B mới khởi công.
DN làm thủ tục thanh ký hàng qua cảng tại cảng TCIT. |
GIẢI PHÁP GIẢM CHI PHÍ
Theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, về lâu dài, Bộ GT-VT cần phải bổ sung quy hoạch các cảng cạn (ICD) và bến thủy nội địa dọc theo các tuyến sông các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bộ với việc nâng cấp tĩnh không các cầu đường bộ để tăng cường vận chuyển thủy kết nối từ chân hàng với cụm cảng biển nhóm 5 (hiện đang chiếm 60% tổng sản lượng container toàn quốc); đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên cho hệ thống đường thủy nội địa; bảo đảm tiến độ triển khai các tuyến giao thông trọng điểm: Tuyến liên cảng Cái Mép kết nối với các cảng khu vực Phú Mỹ; đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; cầu Phước An kết nối đường liên cảng Cái Mép với Nhơn Trạch và đường cao tốc Bến Lức-Long Thành.
Đồng thời, theo các DN kinh doanh dịch vụ logistics, ngành hải quan tỉnh BR-VT cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xem đây là cách hiệu quả nhất và không mất tiền để khai thác tối ưu đối với kết cấu hạ tầng cũng như thái độ phục vụ của người thực thi công vụ. Điều này sẽ góp phần giảm các chi phí mềm, hiện chiếm 20-30% tổng chi phí vận tải. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hải quan và các thủ tục kiểm soát đặc biệt. Đẩy nhanh hơn nữa, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, bỏ hẳn hoặc đơn giản hóa, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Cả nước hiện có 1.500 DN đang hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm khoảng 80% số DN trong ngành. Riêng, BR-VT hiện có 140 DN hoạt động về lĩnh vực logistic, nếu tính tỷ lệ so với tổng số dịch vụ logistics của cả nước thì lực lượng DN hoạt động logistics tại BR-VT còn khiêm tốn. Các DN dịch vụ logistics BR-VT hoạt động chủ yếu chỉ để hỗ trợ khi có hàng qua cảng hay có khách hàng trên địa bàn chưa tham gia vào chuỗi logistics toàn cầu. Cùng với việc chi phí vận tải cao và năng lực có hạn, nhìn chung sức cạnh tranh của các DN logistics trong tỉnh còn hạn chế. |
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN