Cẩn trọng với hàng mỹ phẩm "xách tay"

Thứ Ba, 28/08/2018, 15:20 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, các cửa hàng kinh doanh và các trang mạng đua nhau giới thiệu mỹ phẩm ngoại nhập, chất lượng cao. Trong đó, nhiều người quảng cáo là hàng mỹ phẩm “xách tay” chính hãng với giá “mềm” để thu hút người tiêu dùng. Nhưng qua công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng, thực tế cho thấy đã phát hiện nhiều vụ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

COI CHỪNG TIỀN MẤT – BỆNH MANG

Người tiêu dùng cần lựa chọn những thương hiệu mỹ phẩm chính hãng, uy tín.  Trong ảnh: Khách hàng chọn mua mỹ phẩm ở Medicare Lotte Mart Vũng Tàu.
Người tiêu dùng cần lựa chọn những thương hiệu mỹ phẩm chính hãng, uy tín. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua mỹ phẩm ở Medicare Lotte Mart Vũng Tàu.

Nhằm bán sản phẩm có mức giá chấp nhận được, vừa muốn khách hàng tin dùng, nên nhiều loại hàng hóa rao bán trên các trang mạng, hay tại cửa hàng mỹ phẩm thường dùng “chiêu” quảng cáo là hàng “xách tay” chính hãng để lý giải cho mức giá thấp hơn 30% - 40% so với hàng chính hãng nhập khẩu. Theo đó, người rao bán đã đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng luôn mong muốn mua được hàng ngoại chất lượng tốt, giá rẻ. Còn người tiêu dùng thì hài lòng vì mua được hàng “xách tay” giá rẻ hơn hàng nhập khẩu chỉ vài chục ngàn đồng.

Chị Lê Thị Thu (ngụ phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) cho hay: “Tôi thường mua mỹ phẩm Hàn Quốc trên các trang mạng, vì hình thức cũng giống như sản phẩm chính hãng, mà giá cả cũng rẻ tới gần cả trăm ngàn đồng so với mua tại cửa hàng”. Nhưng khi được hỏi về hiệu quả sử dụng, chị Thu trả lời không chắc chắn lắm!

Tại shop mỹ phẩm V.N. trên đường Nguyễn Hữu Thọ, TP.Bà Rịa, chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm được giới thiệu là hàng “xách tay” chính hãng, giá sản phẩm kem chống nắng Shiseido 40ml của Nhật giá chỉ 180 ngàn đồng, trong khi đó giá thị trường của sản phẩm chính hãng nhập khẩu là 250 ngàn đồng. Tương tự, ở cửa hàng mỹ phẩm E.L. (phường 3 -TP.Vũng Tàu), người mua dễ dàng mua các loại hàng “xách tay” chính hãng từ Hàn Quốc, Nhật, Pháp… Đơn cử, giá sản phẩm kem chống nắng Vichy xuất xứ từ Pháp chỉ 280 ngàn đồng, trong khi giá thị trường 485 ngàn đồng. Ngoài ra, tại đây còn bày bán các sản phẩm kích trắng, tắm trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng giá thì rất “mềm”.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cửa hàng mỹ phẩm ở TP.Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, người bán hàng thường giới thiệu sản phẩm làm đẹp xuất xứ từ Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… được quảng cáo là hàng “xách tay” với giá “mềm” vì không phải chịu thuế. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa ra sao thì chỉ đến khi sử dụng rồi người tiêu dùng mới biết được.

Quảng cáo về hàng mỹ phẩm “xách tay” chính hãng rầm rộ hơn là các kênh bán hàng trực tuyến, vì hình thức mua bán tiện lợi, giao dịch nhanh chóng và quan trọng là giá rẻ. Tại trang web bán hàng trực tuyến M.B (địa chỉ phường 8 - TP.Vũng Tàu) quảng cáo dầu gội đầu Biotin của Mỹ chỉ với giá 230 ngàn đồng/chai. Còn tại trang mạng bán hàng E.S (phường 3-TP.Vũng Tàu), giá dầu gội đầu Biotin của Mỹ cùng loại rao bán với giá 210 đồng/chai.

Theo các chuyên gia thẩm mỹ, bác sỹ chuyên khoa da liễu, nhiều người kinh doanh mỹ phẩm mua hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường để trộn lẫn vào hàng thật và quảng cáo đó là hàng “xách tay” chính hãng. Đây là “chiêu” phổ biến để đánh lừa khách hàng nhẹ dạ cả tin, do sản phẩm không được nhập khẩu chính ngạch và không được cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng. Mua phải hàng mỹ phẩm “dỏm”, người tiêu dùng vừa mất tiền vừa rước bệnh vào thân.

Bác sĩ Đỗ Ngọc Chấn, Trưởng khoa Da liễu Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết, ông đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị dị ứng khá nặng do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Nhiều người bị loét da, mẩn ngứa, sưng tấy, có trường hợp bị biến chứng, nhiễm trùng huyết nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. “Để bảo đảm an toàn cũng như có được một làn da khỏe mạnh, người tiêu dùng cần lựa chọn những thương hiệu mỹ phẩm nhập khẩu chính hãng, mua tại các trung tâm thương mại, cửa hàng lớn uy tín. Tránh việc mua hàng trôi nổi không nguồn gốc xuất xứ, hay được quảng cáo là hàng “xách tay” chính hãng, giá rẻ, sẽ dễ bị dị ứng, viêm da”, Bác sĩ  Đỗ Ngọc Chấn khuyến cáo.

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Các trang mạng rao bán hàng “xách tay” chính hãng giá rẻ. 
Các trang mạng rao bán hàng “xách tay” chính hãng giá rẻ. 

Trong 7 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý 27 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm với tổng số tang vật vi phạm 1.674 sản phẩm mỹ phẩm các loại. Đơn cử, ngày 16-4-2018, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng mỹ phẩm N.T trên đường Bacu, phường 3, TP.Vũng Tàu. Cửa hàng này vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm với số lượng 333 sản phẩm, trong đó có nhiều mỹ phẩm ghi nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Ngày 10-5, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính chủ cửa hàng này số tiền 72,7 triệu đồng, chỉ đạo tiêu hủy 333 sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc.

Trước đó, ngày 15-1-2018, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm T.H.N. (đường Lý Tự Trọng, phường 1, TP.Vũng Tàu), phát hiện cửa hàng này bày bán 242 sản phẩm mỹ phẩm có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Chủ cửa hàng cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của số mỹ phẩm. Cửa hàng này đã bị cơ quan thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính số tiền 70 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trên để tiêu hủy.

Chị Nguyễn Ngọc Phương (bên phải) Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Mỹ phẩm OHUI Vũng Tàu (102A Lê Hồng Phong, phường 7, TP.Vũng Tàu) tư vấn cho khách hàng về sản phẩm dưỡng da OHUI chính hãng của  Hàn Quốc. Ảnh: AN NHIÊN.
Chị Nguyễn Ngọc Phương (bên phải) Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Mỹ phẩm OHUI Vũng Tàu (102A Lê Hồng Phong, phường 7, TP.Vũng Tàu) tư vấn cho khách hàng về sản phẩm dưỡng da OHUI chính hãng của Hàn Quốc.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Trong đó nêu rõ, sự bùng nổ của dịch vụ internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng có rất nhiều thông tin không chính xác về công dụng, chức năng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm, vị thuốc cổ truyền… Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành chức năng phải chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội để kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho hay, thực hiện Công văn số 13443/QLD-MP ngày 16-7-2018 của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế về việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm tỉnh tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm lưu hành trên thị trường. Đồng thời, đề nghị phòng y tế các huyện, thành phố tăng cường phổ biến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm thuộc địa bàn, phạm vi quản lý biết và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm lưu thông trên thị trường.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 tỉnh BR-VT đã yêu cầu các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền về chất lượng hàng hóa, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, điều kiện kinh doanh. Xây dựng phương án xử lý ngay việc bày bán mỹ phẩm, dược liệu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại các chợ đầu mối, chợ đêm, các điểm bán hàng “xách tay” trên các tuyến phố, trung tâm thương mại.

(Bà Bùi Thị Dung, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Giám đốc Sở Công thương)

 

;
.