Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo môi trường kinh doanh tốt cho mọi thành phần kinh tế
Sáng 24-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về thúc đẩy phát triển cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Dự hội nghị tại điểm cầu BR-VT có đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến thời điểm này, gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 DN được xử lý thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Riêng tại Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối cơ chế một cửa quốc gia, với 99,65% DN tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan. Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1-1-2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Tính đến ngày 10-6, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 14.392 C/O. Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã mang lại những hiệu quả rõ rệt trong công tác cải cách hành chính. DN không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan Nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Tại BR-VT, từ tháng 5-2015, Cục Hải quan tỉnh đã triển khai hệ thống một cửa tại cảng biển (E-Manifest). Theo đó, các hãng tàu, đại lý chỉ cần khai báo thông tin trên cổng thông tin điện tử. Hệ thống sẽ truyền dữ liệu đến các cơ quan liên quan xử lý. Từ khi triển khai hệ thống đến nay, Cục Hải quan tỉnh đã thông quan cho 16.969 lượt tàu biển xuất nhập cảnh trên hệ thống.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế với mục tiêu vào nhóm đầu ASEAN. “Ngành nào chưa làm tốt, phải làm tốt hơn, địa phương nào chưa cải cách mạnh hơn cho hội nhập, tạo thuận lợi thương mại thì phải rà lại, xem lại để quán triệt chủ trương quan trọng này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến yêu cầu bên cạnh tạo thuận lợi thương mại, cần phải kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người dân, kể cả hàng xuất và hàng nhập. Do đó, không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng tích cực của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Cùng với Bộ Tài chính, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương sự quyết tâm của các Bộ: Công thương, Giao Thông - Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đối với Bộ, ngành mình được giao.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp phải chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững, đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 19 của Chính phủ. Thủ tướng nhấn mạnh, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa. Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15% nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của DN; Minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; Xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành “không ôm giữ ở bộ, ngành mình những điều kiện không cần thiết để giải phóng sức sản xuất”.
Thủ tướng mong muốn, Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế. Đến Việt Nam, DN đầu tư nước ngoài, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà mình.
ĐÔNG HIẾU