Người xưa ví von: “Nuôi lợn (heo) ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói về nỗi nhọc nhằn của nghề nuôi tằm. Vất vả là thế nhưng trong thời gian qua, với nhiều nông dân ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), việc trồng sắn (mỳ), nuôi tằm, sản xuất trứng tằm... đã giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tất bật khi tằm ăn rỗi (ảnh Lê Hoàng) |
“MỘT VỐN BỐN LỜI”
“Nghề” nuôi tằm ăn lá sắn xuất hiện ở Đồng Lương từ hàng chục năm trước. So với việc trồng dâu nuôi tằm thì trồng sắn nuôi tằm hiệu quả hơn do ít công chăm sóc cây sắn và năng suất lại cao.
Chúng tôi ghé thăm một trong những gia đình đầu tiên nuôi tằm ở Đồng Lương - Cơ sở sản xuất trứng tằm Thắng Nga (khu 16 xã Đồng Lương). Được biết, gia đình ông Thắng vốn là công nhân nông trường chè, từ năm 1996, ông bắt đầu tìm hiểu việc nuôi và bán trứng tằm giống. Những năm tiếp theo, ông Thắng chịu khó học tập kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật nuôi tằm, đặc biệt, ông được Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương mời tham quan, học tập kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ nên đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư nhà xưởng và hình thành cơ sở sản xuất trứng tằm giống lớn nhất nhì tỉnh, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho gần chục lao động với mức lương bình quân 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nga (vợ ông Thắng) chia sẻ: “Vòng đời của con tằm từ khi còn là cái trứng cho đến lúc đã “chín” khoảng 20 ngày, tuy nhiên vào mùa nắng nóng, tằm phát triển mạnh thì chỉ khoảng 15 ngày là đã có thể thu hoạch để bán làm thực phẩm. Khi tằm đã “chín”, chúng tôi lựa chọn, tách loại những con “tằm lười”, số còn lại, sẽ cho tằm làm kén bằng cách thả vào nong tằm một cành vải hoặc nhãn còn tươi. Từ lúc con tằm “vào tổ”, cuốn kén để nở thành con ngài mất khoảng thời gian 20 ngày ở nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Tiếp đó, con ngài được đưa vào trong buồng tối để ghép đôi, lựa chọn những con cái để tiến hành cắt cánh, cho ngài đậu vào những thanh ngang trong một dụng cụ giành riêng để ngài đẻ trứng. Nhiều công đoạn là thế nhưng quá trình cho thu trứng mỗi lứa chỉ diễn ra trong 3 ngày…”.
Trên địa bàn xã Đồng Lương hiện nay có gần chục hộ chuyên sản xuất trứng tằm, bởi mọi sản phẩm phụ từ con tằm đều có thể tận dụng. Tằm lười được nhặt riêng, bán làm thực phẩm; khi thành nhộng cuốn kén được lựa chọn và tiếp tục được sử dụng làm thực phẩm. Những con ngài đã loại sử dụng làm thức ăn cho cá, gà và các loại vật nuôi khác. Tơ tằm cũng có thể là một nguồn thu nữa... nhưng quan trọng hơn là từ nguồn con giống bảo đảm nên việc phát triển nghề nuôi tằm ở địa phương rất thuận lợi. Nông dân không cần nhiều vốn, chỉ cần sắm sửa một số nong tre, dành một phần diện tích làm khu nuôi và trồng thêm nhiều sắn là có thể nuôi tằm được. Mỗi gói trứng tằm có giá chỉ vài chục ngàn đồng, nặng vài chục gam, sau 20 ngày trứng nở và phát triển sẽ cho người nông dân thu hoạch khoảng 20kg tằm với giá bán trung bình khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Tuy việc nhẹ nhàng, người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia nhưng người nuôi tằm phải thật siêng, từ khi con tằm mới nở đến lúc ăn rỗi đều phải thật chú ý về thức ăn. Bên cạnh đó, con tằm cực kỳ nhạy cảm đối với các loại hóa chất, bởi vậy người nuôi phải cẩn thận trong việc giữ vệ sinh nơi nuôi, tránh khí độc… Xong trật thu hoạch, nong tằm phải được cọ rửa sạch sẽ phơi khô rồi mới tiếp tục sử dụng để cấy, nuôi lứa mới.
Bà Vi Thị Tố Loan, Chủ tịch Hội nông dân xã Đồng Lương cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có trên 100 hộ nuôi tằm làm thực phẩm. So với trồng lúa, ngô... nuôi tằm có thể gọi là nghề “một vốn bốn lời” khi mang lại nguồn thu đáng kể trong thời gian ngắn ngày, dù hiện nay chỉ đang được coi là nghề phụ, làm thêm”.
Xâu kén tằm (ảnh Lê Hoàng) |
CẦN SỰ QUAN TÂM HƠN NỮA
Đồng Lương hôm nay đang trên đà đổi mới, tuy vậy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Có thể thấy rõ qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã mới đạt hơn chục tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trong khoảng 20 triệu đồng/năm. Bởi vậy, việc có nghề phụ mang lại thu nhập cao như nuôi tằm là một tín hiệu đáng mừng trên con đường phát triển kinh tế địa phương.
Nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm những lúc nông nhàn, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có... Tuy nhiên, vị “thủ lĩnh” của nông dân địa phương trăn trở: “Việc nuôi tằm ở địa phương còn mang tính tự phát, các hộ cần được tập huấn, trang bị kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, tăng năng suất cho con tằm. Bên cạnh đó, người nuôi tằm hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ bởi chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, vì vậy, nhiều hội viên Hội nông dân xã, mong muốn được chính quyền địa phương sớm quy hoạch vùng trồng nguyên liệu phục vụ nuôi tằm; hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư cơ sở, mở rộng sản xuất...”.
Nhiều nông dân cho biết, hiện nay đa số các hộ nuôi tằm để bán làm thực phẩm và các thương lái sẽ thu mua tận nhà, mang đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố bởi có thể chắc chắn rằng: Con tằm là một loại thực phẩm “sạch”. Tuy nhiên, do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên người dân thường chờ đến khoảng tháng 8 trong năm, khi nắng đã bớt gay gắt, nhiệt độ không quá cao, thưa dần những cơn mưa rào, độ ẩm trong không khí ổn định và cây sắn đã thành củ, mới tranh thủ nuôi tằm. Đây là thời điểm người dân nuôi tằm nhiều nhất trong năm. Nhiều gia đình đã xây cất được nhà cao cửa rộng, mua sắm vật dụng tiện nghi, con cái được học hành tử tế, diện mạo vùng quê cách mạng ngày càng khang trang... một phần nhờ vào nuôi tằm.
H.T
(Theo Báo Phú Thọ)