KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH-LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2018)

Vốn ưu đãi giúp cựu chiến binh thoát nghèo

Thứ Năm, 26/07/2018, 16:43 [GMT+7]
In bài này
.

Bằng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều cựu chiến binh, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hiệu quả, đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình ông Phạm Thanh Lộc (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm từ mô hình vườn, ao, chuồng.
Gia đình ông Phạm Thanh Lộc (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm từ mô hình vườn, ao, chuồng.

Năm 1976, thương binh 4/4 Phạm Thanh Lộc (tổ 9, ấp Tây, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) trở về quê hương sinh sống. Lúc này, cuộc sống gia đình ông Phạm Thanh Lộc gặp nhiều khó khăn. Ông phải làm đủ nghề để kiếm sống như đào ao thả cá, làm ruộng. Tuy vậy, cái nghèo vẫn đeo bám gia đình ông. Năm 2004, nhờ nguồn vốn vay 5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Lộc đã mua một cặp bò và đàn gà giống về nuôi. Nhờ tận dụng được thức ăn trong vườn và cách chăm sóc tốt nên đàn gà và bò lớn nhanh, sinh sản tốt. Thấy việc chăn nuôi của ông Lộc thuận lợi, trả nợ ngân hàng đúng hạn, ông tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay thêm 15 triệu đồng. Với nguồn vốn này, ông Lộc đã đầu tư nuôi thêm vịt, cá. Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, 10 năm sau, ông Lộc đã có trang trại với quy mô 2,8ha ao thả cá, 20 con bò và hơn 2.000 con vịt. Ngoài ra, ông Lộc còn thuê 3ha để trồng lúa. “Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng từ mô hình vườn, ao, chuồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Nhờ đó, từ năm 2013, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống dần được cải thiện”, ông Lộc khoe.

Mặc dù đã 56 tuổi nhưng thương binh hạng 3/4 Võ Thị Xuân (ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) vẫn hăng say lao động. Hàng ngày, bà Xuân vẫn cùng con cháu chăm sóc đàn heo, vịt... Bà Xuân nhớ lại, năm 1972, chồng bà lâm bệnh và qua đời, để lại 5 người con nheo nhóc, đứa đầu chưa đến 10 tuổi, đứa út được 5-6 tháng. Hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Bà phải làm đủ nghề để kiếm sống và nuôi các con khôn lớn. Năm 2008, nhờ nguồn vốn vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà đã mua 1 con bò và 200 con vịt đẻ về nuôi. Nhờ cần cù chịu khó và ham học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, đến nay, đàn gia súc, gia cầm của gia đình bà Xuân đã phát triển lên 5 con bò,  2.000 con vịt đẻ, 3.500 con vịt tơ. Thu nhập từ mô hình chăn nuôi khá ổn định đã giúp kinh tế gia đình bà Xuân không ngừng được cải thiện. Hiện nay, bà Xuân đã xây dựng được căn nhà khang trang, có của ăn, của để, các con khôn lớn và lập gia đình. 

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà Võ Thị Xuân (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) đã đầu tư chăn nuôi, cho thu nhập ổn định. Trong ảnh: Bà Võ Thị Xuân chăm sóc đàn vịt của gia đình.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà Võ Thị Xuân (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) đã đầu tư chăn nuôi, cho thu nhập ổn định.
Trong ảnh: Bà Võ Thị Xuân chăm sóc đàn vịt của gia đình.

Ngoài gia đình ông Lộc, bà Xuân, thời gian qua, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng ngàn hộ gia đình cựu chiến binh, người có công khác đã vươn lên làm giàu. Theo ông Lê Văn Trương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hiện nay, ngân hàng đang cho 8.489 hộ gia đình cựu chiến binh, bộ đội xuất ngũ, người có công với cách mạng vay hơn 252 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Nhìn chung, các hộ được vay vốn đều sử dụng đồng vốn hiệu quả và đúng mục đích, trả nợ ngân hàng đúng hạn, tỷ lệ nợ quá hạn hiện chỉ hơn 200 triệu đồng, chiếm 0,13% tổng dư nợ.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.