Khó lường trước nguy hiểm về cây xanh trong mùa mưa
Mới đầu mùa mưa 2018 nhưng đã có nhiều cây xanh gãy đổ, gây thiệt hại về tài sản khiến người dân lo lắng và gây ùn tắc giao thông. Trước tình hình mưa và gió lớn như những ngày vừa qua, các đơn vị chăm sóc cây xanh trên địa bàn tỉnh cần phải tổ chức “khám sức khỏe” cho cây xanh một cách kỹ lưỡng và có những biện pháp xử lý cần thiết để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Cây lim xẹt ngã đổ đè lên xe ô tô trên đường Võ Thị Sáu, TP. Vũng Tàu chiều 16-7. |
Theo Đài khí tượng - Thủy văn tỉnh, khoảng 10 ngày qua trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra mưa to, gió mạnh, nhiều nơi xuất hiện lốc xoáy. Do ảnh hưởng của tình hình thời tiết này, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng trụ điện, cây xanh gãy đổ, gây thiệt hại về tài sản và gây ách tắc giao thông.
Theo Công ty CP đô thị Bà Rịa, từ đầu mùa mưa đến nay, chỉ riêng trên địa bàn TP. Bà Rịa đã có 10 cây xanh ngã đổ, tập trung vào những cây xanh trồng dọc QL 51. Mới đây, ngày 15-7, trên QL51 (đoạn gần Bến Súc, cầu Cỏ May, TP. Bà Rịa), một cây me tây (loại 1, cao khoảng 12m, đường kính 20cm) bị đổ, gây ách tắc giao thông trong vòng 30 phút. Tại TP.Vũng Tàu, ngày 16-7, một cây lim xẹt trước nhà số 137, Võ Thị Sáu cũng bật gốc, đổ đè vào một ô tô 5 chỗ đậu bên đường. Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Công ty CP công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu (UPC), qua khám nghiệm cây bị đổ cho thấy bộ rễ của cây này không bị sâu, thân cây khỏe mạnh. Lý do khiến cây đổ là mưa liên tục làm nền đất yếu, cộng với gió giật mạnh.
Công nhân Công ty Cây xanh (Thuộc Công ty CP dịch vụ môi trường đô thị Tân Thành) cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao cho dãy cây me tây trên QL51. |
Trên thực tế, hầu hết các cây xanh gãy đổ trong thời gian qua đều do thời tiết cực đoan gây nên, nhất là khi có gió lốc mạnh. Tại các địa phương, việc chăm sóc cây xanh đều được tiến hành khá kỹ lưỡng.
Theo Công ty CP Phát triển công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu, trên địa bàn TP. Vũng Tàu có hơn 500 cây loại 3 (cây có đường kính từ 50cm trở lên); 300 cây cổ thụ gồm sao dầu, xà cừ, điệp, trôm, me… Hàng năm, công ty đều triển khai thường xuyên việc phòng chống cây xanh gãy đổ trước mùa mưa bão. Những cây già cỗi, mục gốc, rỗng ruột đều được thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt và kiểm tra thường xuyên để kịp thời xử lý. Những cây có rễ ăn ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc đều được cắt tỉa hạ thấp độ cao, cây vòm tán nặng thường xuyên được tỉa cành.
Ông Đàm Văn Bình, Giám đốc Công ty cây xanh (Công ty CP dịch vụ đô thị Tân Thành, TX. Phú Mỹ) cho biết, hiện nay trên địa bàn TX. Phú Mỹ có 23.056 cây trong đó cây loại 3 (đường kính từ 50cm trở lên; cao từ 12m trở lên). Từ đầu tháng 5-2018, công ty triển khai công tác kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời với các cây già cỗi, mục gốc, rỗng ruột. Đặc biệt là khoảng 1.000 cây me tây trên Quốc lộ 51 công ty thường xuyên cho mé cành, hạ độ cao vì cây me tây thường giòn, khu vực quốc lộ lại có xe cộ qua lại đông.
Tại huyện Đất Đỏ, ông Huỳnh Xuân Bảo, Giám đốc Công ty Công trình đô thị huyện Đất Đỏ cho biết, đến nay công ty đã thực hiện xong việc cắt tỉa cành, mé nhánh, chằng chống cây xanh tránh ngã đổ khi có mưa bão cho 9.809 cây xanh trên địa bàn huyện do công ty quản lý. Tuy nhiên, từ nay đến hết mùa mưa, công ty vẫn tiếp tục kiểm tra chằng chống cây xanh, cắt tỉa mé nhánh nhằm hạn chế việc ngã đổ. Ông Bảo cho rằng, bên cạnh sự biến đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân cây xanh gãy đổ liên tục còn do hạ tầng đô thị bị “biến dạng”. Nhiều tuyến phố cải tạo, thi công vỉa hè lòng đường đào lên lấp xuống liên tục làm cho rễ cây lâu năm bị nông.
Theo khuyến cáo của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, tình trạng mưa giông kèm theo lốc xoáy vẫn còn tiếp diễn trên địa bàn tỉnh BR-VT trong 2-3 ngày tới. Do đó, người dân cần cẩn trọng mỗi khi lưu thông trên đường. Để phòng tránh tai nạn do cây xanh ngã đổ vào mùa mưa, người dân nên tránh đứng hoặc đỗ xe dưới gốc cây, hạn chế lưu thông và tìm nơi trú ẩn an toàn khi trời có giông gió mạnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
NÊN ÁP NGUYÊN TẮC “TRÁCH NHIỆM TUYỆT ĐỐI” KHI CÂY XANH GÂY HỌA? Liên quan đến việc đền bù thiệt hại khi cây xanh gây họa, trên báo NLĐ, Thạc sĩ Luật Phạm Văn Chung chia sẻ ý kiến rất được nhiều bạn đọc đồng tình. Thạc sĩ Chung cho rằng: “Trong mọi trường hợp, đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh đều phải có trách nhiệm bồi thường, mặc dù có thể là trực tiếp hay liên đới. Ðiều này có thể thực hiện được nếu áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm tuyệt đối”! Về lý thuyết, nguyên tắc này chưa được luật hóa, chưa được cụ thể nhưng trong thực tế đã được áp dụng khá rộng rãi, phổ biến. Ðó là trong quan hệ hành chính, quản lý, điều hành... khi nhiều văn bản pháp luật đã quy định “trách nhiệm của người đứng đầu”. Theo đó, người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, vi phạm pháp luật trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, lãnh đạo, dù không tham gia, không biết hành vi tham nhũng của cấp dưới cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Vậy, liệu có làm khó các đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh và họ phải làm gì để bảo vệ mình? Theo tôi, vấn đề này không khó! Các đơn vị này nên đánh dấu những điểm nguy hiểm, cây xanh có thể gãy đổ để phòng ngừa, cảnh báo từ trước. Khi đó, nếu ô tô vẫn cố tình đậu, đỗ vào những điểm này thì chủ sở hữu phải tự chịu trách nhiệm, đơn vị quản lý cây xanh được miễn trừ. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý cây xanh có thể yêu cầu chủ sở hữu ôtô phải mua bảo hiểm nếu muốn đậu, đỗ ở những nơi có thể gây nguy hiểm. Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng khi thực hiện trách nhiệm bồi thường phải ưu tiên theo hướng bồi thường thiệt hại trong hợp đồng trước. Nghĩa là nếu ôtô, tài sản đã mua bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm phải bồi thường theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng bảo hiểm, sau đó mới tính đến phương án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, khi đó là trách nhiệm bồi thường của đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh”. |