Từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 40%, có những địa phương chỉ đạt hơn 20%. Tình trạng này một phần là do việc bố trí vốn chậm, một phần do nhiều dự án đang vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).
TỶ LỆ GIẢI NGÂN THẤP
Dự án nạo vét và xây kè kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu) đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện, khiến khu vực kênh Bến Đình ngày càng ô nhiễm. Trong ảnh: Người dân giặt lưới và xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh Bến Đình. Ảnh: QUANG VŨ |
Dự án tuyến tránh Quốc lộ 56 (TP.Bà Rịa) được khởi công tháng 11-2012, có chiều dài 12,2km, tổng mức đầu tư 1.167 tỷ đồng. Trong đó vốn Trung ương 433 tỷ đồng, vốn địa phương 734 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư. Tính đến thời điểm này, mới có 2/10 gói thầu của dự án đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, các gói thầu còn lại đã hoàn thành khoảng 44,6%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dự án này tạm “nằm im” do chưa tiếp tục được “rót” vốn.
Tại địa bàn TP. Vũng Tàu, nhiều dự án đầu tư công cũng chậm tiến độ. Trong số những dự án chậm tiến độ có nhiều dự án quan trọng như: Dự án đường Phước Thắng, dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Cảnh, dự án xây mới chung cư tái định cư phường Thắng Tam, dự án xây mới trường mầm non phường 12… Theo ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, các dự án này chậm triển khai do 2 nguyên nhân: Chưa hoàn thành công tác GPMB và chưa được bố trí vốn do vốn ngân sách thiếu chưa phân bổ.
Việc giải ngân đầu tư công chậm kéo theo nhiều hệ lụy. Đơn cử như tại dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư Tây Bắc đường A3, năm 2005, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt dự án này với diện tích gần 25ha tại phường 12 (TP.Vũng Tàu). Tuy nhiên, hơn 12 năm sau, dự án này chưa triển khai. Dẫn tới tình trạng người dân trong vùng dự án tự ý phân lô, phân nền, chuyển nhượng giấy tay cho nhiều người. Đến nay, khi dự án khởi động lại, có 224 hộ dân đứng trước nguy cơ không được đền bù do mua đất và xây dựng trái phép sau khi nhận được quyết định thu hồi đất của TP.Vũng Tàu.
Huyện Châu Đức thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao, nhưng cũng chỉ mới đạt 46%. Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Châu Đức cho biết, giai đoạn 2018-2020, toàn huyện có 22 công trình đầu tư công với tổng vốn 193 tỷ đồng. Trong đó có nhiều công trình chuyển tiếp từ giai đoạn trước: trường Mầm non Xuân Sơn (xã Xuân Sơn), trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Kim Long), trường Mầm non Bình Trung (xã Bình Ba)… Đáng chú ý là dự án trường Tiểu học Trần Phú (xã Suối Rao) và dự án mở đường Bình Trung - Bình Ba dù đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017 nhưng đến nay, 2 dự án này vẫn chưa xong việc bồi thường GPMB.
THÁO GỠ VƯỚNG MẮC
Quốc lộ 56 tuyến tránh Bà Rịa hiện chưa được bố trí vốn năm 2018 để tiếp tục thực hiện dự án. |
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quy định chặt chẽ về việc kéo dài thời hạn thực hiện và giải ngân thì giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục chậm. Điều này sẽ ảnh hưởng khả năng cân đối ngân sách nhà nước, phá vỡ các cân đối vĩ mô. Theo ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT, để thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án phải kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với những nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Bên cạnh đó, cũng kiên quyết loại ra những nhà thầu không có năng lực đã vi phạm. Cùng đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát những dự án đầu tư công trên địa bàn có thể kêu gọi xã hội hóa, từ đó công khai, minh bạch danh mục các dự án đầu tư để các DN có khả năng tham gia đầu tư theo hình thức xã hội hóa hoặc PPP (hợp tác công tư).
Đề cập đến hậu quả của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Đây là “điểm nghẽn”, kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương. Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: Sở Tài chính phải rà soát lại các dự án, từ hiệu quả đầu tư đến tiến độ thực hiện để giao vốn và triển khai. Các địa phương và các chủ đầu tư ưu tiên công tác bồi thường GPMB của các dự án. Riêng các dự án theo tuyến như đường giao thông, kênh mương, đường ống cấp thoát nước... phải thực hiện GPMB dứt điểm tuần tự theo từng đoạn để không ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây lắp và phù hợp với khả năng nguồn vốn phân bổ cho dự án. Không thực hiện GPMB theo kiểu “da beo”, làm ách tắc công tác xây dựng và giảm hiệu quả sử dụng vốn của dự án. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý: Các chủ đầu tư chỉ được tổ chức đấu thầu và triển khai thi công các gói thầu của dự án khi đã thực hiện xong công tác GPMB trong phạm vi gói thầu. Đối với các dự án chỉ bố trí vốn thực hiện bồi thường GPMB trong kế hoạch đầu tư công năm 2018, sau khi hoàn thành công tác GPMB phải báo cáo ngay với UBND tỉnh, để xem xét bố trí vốn thực hiện.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN, SONG THƯ
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, năm 2018, tổng nguồn vốn ngân sách dành cho các dự án do tỉnh quản lý là hơn 6.259 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh hơn 5.172 tỷ đồng, bố trí cho 363 dự án; còn lại là vốn Trung ương, vốn ODA và vốn trái phiếu Chính phủ. Giá trị giải ngân vốn đến ngày 19-7-2018 đạt 2.541 tỷ đồng, đạt 40% tổng kế hoạch vốn năm. Các địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp gồm: TP.Vũng Tàu (mới đạt 21,85% kế hoạch năm), huyện Côn Đảo (25,82%), BQL dự án chuyên ngành NN và PTNT (13,55 %), BQL dự án chuyên ngành giao thông (23,46%), TP.Bà Rịa (22%), huyện Xuyên Mộc (10%). |