Đồng Nai: Tăng tốc vào thị trường ASEAN

Thứ Sáu, 20/07/2018, 20:34 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 2,5 năm kể từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập và áp dụng các mức thuế ưu đãi trong nội bộ, thuế nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu đã giảm về 0%. Cũng vì thế, nhiều doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đã tăng tốc mở rộng xuất khẩu vào thị trường này chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu vào các nước ASEAN.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2.

XUẤT KHẨU TĂNG CAO

Theo thống kê của Cục Hải quan Đồng Nai, kim ngạch xuất nhập khẩu từ thị trường ASEAN trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng gần 200 triệu USD (trên 10%) so với cùng kỳ năm trước. Riêng lĩnh vực xuất khẩu kim ngạch tăng trên 24%, đạt gần 1,1 tỷ USD, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Hàng hóa mà các DN Đồng Nai xuất khẩu nhiều vào các nước ASEAN là: sản phẩm dệt may; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Tuy xuất khẩu vào các nước trong khối ASEAN tăng cao nhưng hầu như chỉ tập trung ở 3 thị trường lớn là: Thái Lan, Indonesia, Campuchia. Còn lại 6 nước khác trong khối ASEAN, mặc dù DN Đồng Nai có xuất khẩu hàng nhưng số lượng rất ít.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, thu hút đầu tư của các nước trong khối ASEAN vào Đồng Nai những năm gần đây tăng cao. Hiện đầu tư của ASEAN vào Đồng Nai hơn 4,4 tỷ USD. Những nước trong khối có đầu tư vào tỉnh nhiều là Singapore và Thái Lan.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2).
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2).

Ông Lê Đức Vinh, Giám đốc hành chính - nhân sự Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) cho biết: “Trước khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, công ty đã có kế hoạch mở rộng sản xuất và tăng xuất khẩu vào thị trường này. Chúng tôi cũng không ngừng nghiên cứu đưa ra các sản phẩm điện tử mới cho nhiều lĩnh vực, đáp ứng được nhu cầu khách hàng”. Hiện Fujitsu đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất linh kiện điện tử phục vụ cho ngành công nghiệp xe hơi.

Ông Bùi Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Gia Nam (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng mặt trời. Máy móc, thiết bị của công ty ngoài cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu vào một số nước trong khối ASEAN. Công ty đã đăng ký thương hiệu ở 6 quốc gia thuộc ASEAN để tiếp tục mở rộng xuất khẩu vào thị trường này”.

Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu vào các nước ASEAN hiện không còn bị áp thuế. Điều này giúp cho các DN Đồng Nai cũng như cả nước khi đưa hàng hóa vào thị trường trên cạnh tranh hơn với mặt hàng cùng loại của Ấn Độ và các  nước khác.

Tuy nhiên, xuất khẩu vào các nước trong ASEAN tăng cao nhưng chưa có những bước đột phá ngoạn mục như mong muốń, vì những mặt hàng Đồng Nai xuất khẩu nhiều cũng là những mặt hàng các nước trong khối đang sản xuất.

CẦN TĂNG SỨC CẠNH TRANH

Khi thuế không còn, hàng hóa từ các nước trong khối ASEAN cũng tràn vào Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, những năm gần đây nước ta đều nhập siêu từ thị trường ASEAN với trên 6 tỷ USD/năm. Riêng Đồng Nai, trong 3 năm trở lại đây liên tục xuất siêu vào thị trường ASEAN nhưng mức xuất siêu không cao, chỉ vài chục triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Phúc Thọ, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho biết: “Từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào thị trường này tăng khá cao và cán cân thương mại nghiêng về phía Đồng Nai. Nếu DN trong tỉnh mở rộng được xuất khẩu vào tất cả các thị trường trong khu vực ASEAN thì xuất siêu sẽ càng tăng cao hơn”.

Trong tương quan với các mặt hàng xuất khẩu, có thể thấy những mặt hàng mà Việt Nam đang nhập khẩu nhiều từ ASEAN là: hóa chất, chất dẻo, kim loại khác. Thực tế, đây đều là những mặt hàng Đồng Nai đang xuất khẩu rất nhiều sang các nước khác. Vì vậy, nếu kết nối cung - cầu giữa các DN trên địa bàn tốt hơn, những DN khác có thể tìm được nguồn nguyên liệu ngay thị trường nội địa, giảm được nhập khẩu.

Theo nhận định của Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng, DN nên chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước, đặt hàng các DN sản xuất những sản phẩm mình đang cần. Phía các DN sản xuất cung ứng nguyên phụ liệu cũng phải đầu tư máy móc, thiết bị để sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu và giá cả cạnh tranh.

KHÁNH MINH
(Nguồn: Báo Đồng Nai)

;
.