.

Đẩy mạnh các giải pháp giảm chi phí logistics

Cập nhật: 20:33, 20/07/2018 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ; Kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực; Các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics vẫn còn cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GT-VT đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường biển, đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đề xuất cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách...

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: đối với đường bộ, tập trung đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam; Đối với đường sắt, triển khai dự án nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam và cải tạo nâng cấp, đồng bộ các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hạ Long; Đối với đường thủy nội địa, ưu tiên phát triển vận tải sông pha biển, ven biển để tận dụng tối đa các cửa sông ra biển nhằm giảm tải cho đường bộ trên trục Bắc – Nam. Đối với hàng hải, nghiên cứu đầu tư khu bến cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng về nguồn vốn; nghiên cứu triển khai dự án đầu tư luồng Cái Mép - Thị Vải để các tàu trọng tải đến 160.000 tấn hành hải 24/24h vào khu bến cảng; đối với hàng không, sớm hoàn thành, trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chuẩn bị dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...

Về thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính…) hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics. Thông qua các hoạt động nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics...

Bộ KH-ĐT tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I, đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế; khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics; xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics; ban hành mã số đăng ký kinh doanh theo nhóm ngành cho dịch vụ logistics... Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế, phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, cảng cạn, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia để từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại…

Bốc dỡ hàng tại Cảng Baria Serece (TX.Phú Mỹ, tỉnh BR-VT).
Bốc dỡ hàng tại Cảng Baria Serece (TX.Phú Mỹ, tỉnh BR-VT).

VIỆT HÀ
(Theo Chinhphu.vn)

.
.
.