Những "bóng ma" buôn lậu
Trong nhiều năm qua, lợi dụng thông thoáng trong việc cấp phép thành lập DN, không ít đối tượng đã thành lập DN nhưng không hoạt động theo đúng giấy phép đăng ký kinh doanh mà chỉ lợi dụng pháp nhân để buôn lậu, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong xử lý.
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép kiểm tra hàng container tại Tân Cảng-Cái Mép (TCIT). |
Từ năm 2017 đến nay, tại BR-VT, Cục Hải quan tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện 15 vụ DN “ma” buôn lậu. Riêng trong quý 1-2018 có 3 vụ. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng phạm pháp còn hạn chế. Theo ông Nguyễn Văn Danh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép, khi phát hiện các vụ việc này, cơ quan hải quan rất khó xử lý. Nhiều vụ khi điều tra, xác minh các DN đứng tên đều “ảo”... dẫn đến không thể tìm ra chủ hàng để truy cứu trách nhiệm. Các đối tượng hoạt động ngày càng táo bạo với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như: Lợi dụng loại hình quá cảnh, nhập kinh doanh sản xuất, vận chuyển độc lập, khai báo sai tên hàng… để buôn lậu. Hàng hóa buôn lậu bị phát hiện chủ yếu là hàng điện tử, đồ gia dụng đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu.
Đơn cử như ngày 21-3-2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép đã tiến hành kiểm tra một container hàng quá cảnh, phát hiện 300 thiết bị điện tử đã qua sử dụng, thuộc các mặt hàng không đủ điều kiện quá cảnh (trong khi thông tin khai báo thì hàng hóa trong container là thiết bị âm thanh mới 100%). Container hàng này thuộc tờ khai vận chuyển độc lập ngày 8-3-2018 của Công ty TNHH Hoyer Transport Việt Nam có địa chỉ tại số 45, đường Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, quận 1, TP.Hồ Chí Minh, người đại diện pháp luật tên là Lee Yi Chung. Thế nhưng, khi tìm hiểu thì địa chỉ trên là của một công ty dược phẩm không liên quan gì tới Công ty TNHH Hoyer Transport Việt Nam. Sau khi tiến hành kiểm tra, cơ quan hải quan đã đưa hàng trở lại container và niêm phong để tiến hành trưng cầu giám định, xác định các thông tin chi tiết về số hàng hóa vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Danh, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cái Mép cho biết, qua quá trình điều tra, xác minh, cơ quan chức năng phát hiện không ít trường hợp DN được thành lập bằng cách làm giả CMND, sử dụng CMND của người khác để làm người đại diện theo pháp luật. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có cơ quan hải quan trong việc nhận diện và ngăn chặn đối tượng đứng ra thành lập DN. Ngoài vấn đề người đại diện pháp luật không rõ ràng, trụ sở đăng ký kinh doanh của DN cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Phần lớn DN có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đều có địa chỉ đăng ký kinh doanh tạm bợ, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh…
Theo ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan): Trong những năm qua, Nhà nước có nhiều chính sách “mở” tạo điều kiện trong việc đăng ký thành lập DN. Mới đây nhất, ngày 27-12-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong phương án đơn giản hóa đã bãi bỏ thành phần hồ sơ “Bản sao thẻ CCCD, giấy CMND, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp pháp khác” khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DN. Đây là một trong những giải pháp tích cực của Chính phủ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc thành lập DN. Tuy nhiên, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sự thông thoáng này để thành lập DN “ma”.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN