.

Doanh nghiệp gặp khó vì "đói" nguyên liệu nội địa

Cập nhật: 18:06, 18/05/2018 (GMT+7)

Hiện nay, đa số các DN sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sản xuất. Việc này khiến hoạt động sản xuất của DN bị động, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh khi hội nhập. Do vậy, cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo nguồn nguyên liệu trong nước.

PHỤ THUỘC NGUYÊN LIỆU NHẬP KHẨU

Hiện nay, các DN ngành may mặc đang phải nhập khẩu phấn lớn nguyên liệu sản xuất.  Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ  trong giờ sản xuất.
Hiện nay, các DN ngành may mặc đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sản xuất. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ trong giờ sản xuất.

Các DN ngành may mặc đang phải nhập khẩu hơn 80% vải nguyên liệu (chủ yếu từ Trung Quốc) để phục vụ sản xuất do chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH May Tân Mỹ (Cụm công nghiệp Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ) xác nhận: Hiện nay, DN đang phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu sản xuất, chủ yếu là vải. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến hoạt động sản xuất của DN bị động, giá thành sản phẩm cũng cao hơn, ảnh hưởng đến sức cạnh cạnh.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở ngành da giày. Đến thời điểm này, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của ngành da giày chỉ đạt khoảng 40%. Hầu hết các loại nguyên liệu đầu vào quan trọng như: da thuộc, da nhân tạo, nhựa PPC, sơn PU, vải, keo… đều phải nhập khẩu.

Còn đối với ngành chế biến thủy sản, mặc dù là địa phương có lợi thế về khai thác hải sản nhưng các DN trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải nhập khẩu 50-60% nguyên liệu để bảo đảm các đơn hàng. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cho biết, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của DN. Vì vậy, Baseafood phải nhập khẩu 60% nguyên liệu từ nước ngoài. Việc này khiến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.

CẦN GIA TĂNG TỶ LỆ NỘI ĐỊA HÓA

Sản xuất tôn tại Công ty cổ phần TM - SX Tân Phước Khanh.
Sản xuất tôn tại Công ty cổ phần TM - SX Tân Phước Khanh.

Việc phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu khiến DN sản xuất hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho hay, theo quy định của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP, các DN Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu nội địa hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nước CPTPP. Trong khi đó, hiện nay, nguyên liệu của ngành dệt may chủ yếu nhập từ Trung Quốc – nước không phải là thành viên của Hiệp định này. Do vậy, nếu không tăng được tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu, các DN hàng dệt may sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu.

Một trong những nguyên nhân khiến các DN phải nhập khẩu nguyên liệu là do ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển tương xứng. Ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu) cho biết, hiện nay, trong quá trình sản xuất các sản phẩm cơ khí, DN phải nhập khẩu 60% nguyên liệu, chủ yếu là ốc vít, móc cáp, cáp… Từ thực tế này, Nhà nước cần có thêm các chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu từ nước ngoài, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh khi hội nhập.

Theo Sở Công thương, để giảm dần tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trong việc đầu tư hạ tầng để thu hút các DN công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các vùng nguyên liệu để có chiến lược xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu…

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh đạt 1,97 tỷ USD, tăng 6,95% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là nguyên, nhiên liệu và vật tư cho sản xuất, chiếm 87,15% tổng kim ngạch nhập khẩu (hơn 1,72 tỷ USD). Phân theo cơ cấu thị trường, châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu (chiếm 59% tổng kim ngạch nhập khẩu); châu Mỹ chiếm 16,3%; châu Âu chiếm 3,28%...

 

.
.
.