.

Liên kết vùng để cùng phát triển bền vững

Cập nhật: 16:21, 14/05/2018 (GMT+7)

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, tổng diện tích toàn vùng TP.HCM khoảng 30.404 km2, phạm vi bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Đây được xem là cơ hội để Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh, thành trong khu vực phát triển mạnh, bền vững trong thời gian tới.

LIÊN KẾT VÙNG - CƠ HỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN BỨT PHÁ

Quốc lộ 51, tuyến đường huyết mạch nối BR-VT với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: VĂN ANH
Quốc lộ 51, tuyến đường huyết mạch nối BR-VT với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: VĂN ANH

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP.HCM và 7 tỉnh, thành phố có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40%  kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, tiềm năng và thế mạnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được phát huy xứng tầm, do thiếu sự liên kết vùng chặt chẽ để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế. Việc Chính phủ điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục những hạn chế này.

Theo đồ án quy hoạch, Vùng TP.HCM sẽ được phát triển thành trung tâm kinh tế lớn, hiện đại, năng động; trung tâm thương mại, tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ, trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu, đóng vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Vùng TP.HCM được phân ra thành các tiểu vùng và trục hành lang phát triển kinh tế, trong đó TP.HCM đóng vai trò là đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế, trung tâm tri thức, kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị khu vực Đông Nam Á, xung quanh là các vùng phụ cận bao gồm: tiểu vùng phía Đông, tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc, tiểu vùng phía Tây Nam.

Tỉnh BR-VT thuộc tiểu vùng phía Đông và trên trục hành lang phía Đông Nam dọc Quốc lộ 51, với chuỗi các đô thị Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), trong đó TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa là cực tăng trưởng. Ở vị trí này, tỉnh BRVT đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của Vùng TP.HCM. Đồng thời, Vùng TP.HCM cũng mang lại cơ hội rất lớn giúp BR-VT phát huy tiềm năng và những lợi thế để phát triển bứt phá.

PHÁT HUY TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ SO SÁNH

Tăng cường liên kết vùng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh BR-VT. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại cảng SP-PSA (huyện Tân Thành). Ảnh: THÀNH HUY
Tăng cường liên kết vùng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh BR-VT. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại cảng SP-PSA (huyện Tân Thành). Ảnh: THÀNH HUY

Mục tiêu của Vùng kinh tế TP. HCM là tạo mối liên kết toàn diện và chặt chẽ giữa các địa phương với nhau để cùng phát triển, với sự hỗ trợ hiệu quả từ những cơ chế, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Để đạt mục tiêu này, cần có sự kết nối về giao thông, sự liên kết giữa các địa phương trong vùng để thực hiện quy hoạch của Bộ GTVT, chủ trương của Chính phủ trong di dời hệ thống cảng biển nội đô TP.HCM, đầu tư phát triển cụm cảng biển nhóm 5 - Đông Nam bộ. Theo các chuyên gia, Vùng TP.HCM cần ưu tiên phát triển giao thông đường bộ và đường thủy, các tuyến đường bộ huyết mạch, đường cao tốc cần được đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các đô thị hành lang ở các tỉnh. Hiện nay, hệ thống giao thông ở TP.HCM và 7 tỉnh lân cận còn thiếu sự kết nối, nhất là kết nối giao thông đường thủy nội địa giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh miền Tây. Liên kết vùng sẽ giải quyết được vấn đề này, sự kết nối thông suốt về giao thông là tiền đề cho sự kết nối và phát triển kinh tế, thúc đẩy được phát triển lợi thế so sánh của mỗi tỉnh. Thế mạnh của Bà Rịa- Vũng Tàu là cảng biển gắn với dịch vụ logistics. Khi hạ tầng các tuyến giao thông thủy, giao thông bộ nối TP.HCM và các tỉnh phụ cận với BR-VT được xây dựng và thông suốt, sẽ là cơ hội lớn cho tỉnh BR-VT phát huy tiềm năng và lợi thế của mình. 

Sớm nhận diện được tầm quan trọng của liên kết vùng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VI đã xác định rõ nhiệm vụ hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát triển các ngành kinh tế của tỉnh, đặc biệt là phát triển cảng, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển hành lang kinh tế công nghiệp - cảng biển dọc Quốc lộ 51; xây dựng và phát triển đô thị mới Phú Mỹ thành trung tâm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2020; thúc đẩy phát triển hành lang du lịch dọc tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Bình Châu thành tuyến du lịch trọng điểm, đa dạng, hấp dẫn và chất lượng cao của tỉnh; xác định Côn Đảo là địa bàn trọng điểm đầu tư của tỉnh trong 5 năm tới, huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao, hiện đại, đặc sắc, tầm cỡ khu vực và quốc tế, gắn với tăng cường quốc phòng, tạo tiềm, lực bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của khu vực và cả nước.

Tăng cường liên kết vùng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh BR-VT.  Trong ảnh: Tàu siêu trọng vào làm hàng tại cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: THÀNH HUY
Tăng cường liên kết vùng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh BR-VT. Trong ảnh: Tàu siêu trọng vào làm hàng tại cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: THÀNH HUY

Để hiện thực hóa chủ trương này, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 2495/QĐ-UBND thành lập Tổ điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến năm 2020. Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trong việc điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; đề xuất, kiến nghị với Hội đồng vùng kịp thời giải quyết các vấn đề liên kết trong vùng...  Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ thu hút tàu mẹ, hàng quá cảnh và nguồn hàng xuất khẩu thông qua cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh. Để cụ thể hóa mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối như: đường 991B, Phước Hòa-Cái Mép; đẩy mạnh công tác quy hoạch và xúc tiến đầu tư Trung tâm logistics Cái Mép Hạ; chú trọng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan; hoàn thiện danh mục các sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh; tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp, trong đó tập trung hỗ trợ thúc đẩy đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, hoàn thành giai đoạn I Khu công nghiệp Đá Bạc làm khu công nghiệp phụ trợ; tạo điều kiện, hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng dự án Hóa dầu Long Sơn. Song song đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Long Hải - Phước Hải; quy hoạch Khu du lịch Núi Dinh; xây dựng tiêu chí, sản phẩm du lịch để kêu gọi thu hút đầu tư chất lượng cao, tầm vóc quốc tế, có tính lan tỏa cao; lập kế hoạch xúc tiến thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học, có sản phẩm phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh nhằm tăng cường tính hiệu quả và bảo đảm phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững.

Sự kết nối để phát triển kinh tế chỉ thực sự được thực hiện có hiệu quả khi đặt trong mối tương quan giữa các tỉnh. Bà Rịa – Vũng Tàu có thế mạnh về du lịch, tiềm năng phát triển ngành logistics với hệ thống cảng biển hiện hữu được xây dựng hiện đại, đủ sức đón những tàu du lịch, tàu thương mại tải trọng lớn. Phát huy tiềm năng và lợi thế của mình, Bà Rịa – Vũng Tàu đang nỗ lực phối hợp đồng bộ, tìm được tiếng nói chung với TP.HCM và các tỉnh trong khu vực để có sự kết nối vùng thực sự chặt chẽ và hiệu quả.

LƯƠNG LAN

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Vùng kinh tế TP.Hồ Chí Minh nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đông - Nam Á, là vùng chiến lược của hệ thống cảng biển quốc tế. Đây cũng là vùng đô thị lớn, có vị trí quan trọng về quốc phòng. Do vậy, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với thành phố mà với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

.
.
.