.

Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII): Cải cách chính sách tiền lương đáp ứng nguyện vọng của người lao động

Cập nhật: 18:25, 10/05/2018 (GMT+7)

Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN trình Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (Khóa XII) xem xét, quyết định đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến của lãnh đạo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và người dân đều cho rằng, việc thay đổi chế độ tiền lương là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của toàn thể người lao động trên cả nước.

NHIỀU BẤT CẬP TỒN TẠI LÂU NĂM

Công nhân Công ty May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch 1, huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất. Ảnh: THU THẢO 
Công nhân Công ty May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch 1, huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất. Ảnh: THU THẢO 

4 lần cải cách chính sách tiền lương trong những năm qua đã cải thiện phần nào cuộc sống của người lao động, nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Từ năm 2003 đến nay Chính phủ đã 11 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung từ 210 ngàn đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, mức lương này vẫn luôn bị đánh giá là chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của cán bộ công chức, viên chức... Theo tính toán của Bộ LĐTBXH, mức lương tối thiểu áp dụng cho khu vực hành chính sự nghiệp hiện nay mới chỉ bằng khoảng 60% so với mức lương tối thiểu tính theo phương pháp nhu cầu tối thiểu và cũng là mức thấp nhất trong toàn nền kinh tế.

Cô Lê Tú Quyên, GV Trường TH Bùi Thị Xuân (TP.Vũng Tàu) cho rằng, giáo dục vốn được coi là ngành trọng yếu nhưng hiện nay, GV đang hưởng mức lương không đủ sống. Bản thân cô Quyên là GV công tác 10 năm trong ngành nhưng lương vỏn vẹn 4,5 triệu đồng/tháng. Còn những GV mới ra trường, mức lương chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Mức lương này chưa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Do vậy, ngoài thời gian đứng trên bục giảng, không ít thầy cô giáo phải làm thêm rất nhiều công việc để có tiền trang trải cuộc sống. Lương dành cho viên chức ngành giáo dục quá thấp cũng khó có thể níu giữ GV có năng lực gắn bó với ngành, với trường công lập lâu dài.

“Trước thực trạng trên, tôi cho rằng, cần tính toán lương cho GV hợp lý hơn. Khi đời sống được bảo đảm thì GV mới có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến cho công việc, từ đó, chất lượng giáo dục mới được nâng lên”, cô Lê Tú Quyên kiến nghị.

ĐÁP ỨNG SỰ MONG MỎI CỦA CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG

Những ngày gần đây, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên cả nước đang theo dõi sát sao và rất phấn khởi, kỳ vọng nhiều vào các quyết sách quan trọng của Đảng đối với vấn đề tiền lương đang được thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7. Nhiều ý kiến đánh giá các giải pháp đề ra trong Đề án thực sự mang tính đột phá, hướng tới những giá trị tiến bộ và công bằng trong phân phối thành quả lao động, chắc chắn sẽ được tuyệt đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đón nhận, đồng tình.

Ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh BR-VT nói: “Chúng tôi kỳ vọng, Hội nghị Trung ương 7 tập trung thảo luận, đưa ra những quyết sách đúng đắn, bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người lao động. Về Đề án Cải cách chính sách tiền lương được đưa ra thảo luận tại Hội nghị, có nội dung: “Chi trả thu nhập cho cán bộ, công chức theo thông lệ quốc tế với tỷ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập; phụ cấp không quá 30% thu nhập. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi khoản 10% quỹ tiền thưởng (trong lương) chi trả thêm cho lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...”. Theo quan điểm của LĐLĐ tỉnh, việc thực hiện chi trả thu nhập cho cán bộ, công chức như vậy là rất tốt, góp phần bảo đảm tính công bằng, khuyến khích sử dụng nhân tài và tăng cường sức phấn đấu, cống hiến của cán bộ, công chức”.

PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho biết, việc điều chỉnh những vấn đề liên quan đến tiền lương đã được Nhà nước thực hiện nhiều trong những năm qua như: Điều chỉnh lương tối thiểu, thang bậc lương; cơ chế thực hiện một số chính sách về tiền lương. Tuy nhiên, việc cải cách mang tính cách mạng về tiền lương vẫn đang là việc người dân và công nhân lao động nói chung đã trông chờ từ rất lâu. Để việc cải cách lần này đạt hiệu quả cao, Trung ương nên thống nhất những nguyên tắc để có thể bảo đảm cho người lao động yên tâm sống bằng đồng lương của mình, góp phần nuôi, dạy con. Tiền lương bảo đảm cho cuộc sống sẽ tạo động lực cho người lao động toàn tâm, toàn ý làm việc mà không phải lo lắng đến sự thiếu hụt, bấp bênh trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Đề án cải cách tiền lương cũng cần quan tâm đến chế độ dành cho con của công nhân lao động để trong tương lai sẽ có đội ngũ công nhân kế cận, sẵn sàng phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước của Đảng.

Để bảo đảm việc tăng lương được xem xét theo vị trí việc làm và khối lượng công việc hoàn thành, tạo động lực thu hút lực lượng lao động trẻ có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt và khuyến khích những người làm việc có hiệu quả để được tăng bậc lương, ngăn chặn tình trạng thâm niên cao thì lương cao, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị hướng thiết kế thang lương theo các bậc lương nửa đầu lũy tiến và nửa sau lũy thoái. Việc thiết kế nửa sau lũy thoái vẫn bảo đảm được chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức có thâm niên, năng lực thông qua chính sách lương linh hoạt đã nêu trong Đề án.

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đề án xác định: “Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN” là quan điểm mới, tiến bộ. Nhưng cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động trong việc thỏa thuận thống nhất với người sử dụng lao động về mức lương cho người lao động trong DN theo quy định của pháp luật.

NHÓM PV THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư điều hành phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư điều hành phiên thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 

Ngày làm việc thứ tư, Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII)

Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.  Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

 

.
.
.