Giám sát chặt việc nạo vét các hồ chứa nước
Thời gian qua, một số DN được giao thực hiện các dự án nạo vét lòng hồ các hồ chứa nước theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, việc nạo vét bộc lộ nhiều bất cập, trong đó đã có sự cố xảy ra, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Công ty CP Đại Nguyên thi công nạo vét hồ Bút Thiền (huyện Long Điền). Ảnh: TRẦN MINH |
HÀNG LOẠT HỒ CẦN ĐƯỢC NẠO VÉT
Theo thống kê, toàn tỉnh có 27 hồ chứa nước phục vụ cho hơn 10 ngàn ha diện tích canh tác nông nghiệp và cung cấp nước cho các nhà máy nước. Đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều được đưa vào sử dụng từ 20-30 năm. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, nhiều lòng hồ bị bồi lắng, làm thu hẹp dung tích, khả năng lấy nước giảm. Do đó, mùa khô xảy ra tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng đến hoạt dộng sản xuất nông nghiệp.
Chẳng hạn, công trình hồ chứa nước Châu Pha (huyện Tân Thành) được xây dựng từ năm 1999, đưa vào sử dụng năm 2002. Dung tích thiết kế của hồ là 3,52 triệu m3, phục vụ tưới cho diện tích 530ha sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Thành, cung cấp khoảng 7.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay lòng hồ bị bồi lắng, khả năng tích nước kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây.
Hay như hồ Bút Thiền (xã Tam Phước, huyện Long Điền) là hồ nhân tạo được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1989. Sau gần 30 năm sử dụng, lòng hồ bị bồi lắng, thu hẹp nhiều. Lượng nước tích trữ tại hồ thường xuyên dưới mực nước chết, không đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu nông nghiệp. Vì vậy việc nạo vét, cải tạo hồ là cần thiết và cấp bách.
Hồ Sở Bông là hồ thủy lợi phục vụ nhu cầu tưới cho khoảng 150ha lúa và hoa màu của xã Long Mỹ và thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, cứ vào mùa khô, hồ luôn cạn trơ đáy, không có nước tưới cho lúa và hoa màu của nông dân.
Trước thực tế các hồ chứa nước bị bồi lắng như đã nêu trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã chấp thuận cho một số DN thực hiện các dự án nạo vét, duy tu sửa chữa các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh bằng phương thức xã hội hóa 100% vốn của DN như hồ Suối Nhum, hồ Châu Pha, huyện Tân Thành (do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Đông Nam và Tập đoàn Anh Vinh thực hiện), hồ Bút Thiền, huyện Long Điền (Công ty CP Đại Nguyên), hồ Sông Hỏa và Sông Kinh, huyện Xuyên Mộc (Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà), hồ Đá Đen (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đại Nguyên)...
CẦN GIÁM SÁT CHẶT QUÁ TRÌNH NẠO VÉT
Sự cố tạm ngưng cấp nước tưới nông nghiệp từ hồ Sông Hỏa mới đây do những sai sót trong quá trình nạo vét (báo BR-VT đã có bài phản ánh vào ngày 16-3) cho thấy rằng, việc thi công nạo vét các hồ chứa nước là cấp bách nhưng phải được giám sát chặt chẽ. Về sự cố này, ông Hoàng Long, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở TN-MT cho biết: Trong quá trình triển khai nạo vét, mặc dù chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực dự án nhưng đơn vị thi công nạo vét đã khai thác, vận chuyển hơn 8.000m3 cát ra khỏi phạm vi công trình. DN cũng chưa thực hiện nạo vét theo hồ sơ thiết kế được duyệt cũng như chưa thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ đối với chất thải, báo cáo công tác quản lý chất thải nguy hại về Sở TN-MT...
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Đại, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có biện pháp giám sát các tiêu chuẩn về môi trường trong việc vận chuyển các phế phẩm nạo vét ra khỏi công trường. Trong quá trình tổ chức nạo vét, nguồn nước trong các bể lắng và nước hồ phải được lấy mẫu thí nghiệm kiểm tra các chất hòa tan và chỉ số chất lượng nước theo đúng quy định. Nếu không đạt, cơ quan chức năng phải yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp xử lý, đồng thời tạm dừng thi công.
Để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý việc nạo vét các hồ, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch giám sát thường xuyên, trong suốt quá trình triển khai dự án nạo vét, bảo đảm việc nạo vét phải đúng với hồ sơ được phê duyệt. Quá trình giám sát nếu phát hiện vi phạm, lập tức yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công. Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, thời gian tới Sở sẽ chỉ định đơn vị tư vấn giám sát có năng lực để giám sát hiệu quả hơn các dự án nạo vét.
“Việc nạo vét các hồ chứa nước cần phải có sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng, mà trực tiếp là Sở NN-PTNT, Sở TN-MT. Buông lỏng quản lý, giám sát sẽ dẫn đến DN thi công dễ sai phạm, gây những tác hại khó lường như sự cố tại công trình nạo vét hồ Sông Hỏa vừa qua”, đồng chí Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
NGÔ THANH - QUANG VINH