Cảng biển tiếp sức doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 46% trong 90 ngày là khoảng thời gian quý báu để DN tăng tốc xuất khẩu, đẩy sản lượng hàng hóa qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) tăng vọt.
![]() |
Ngày 2/5, TCIT đón chuyến tàu đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ VTI do hãng tàu Interasia (IAL) khai thác, mở rộng thị trường Nội Á. |
Lượng hàng đi Mỹ tăng mạnh
Từ đầu tháng 4/2025, lưu lượng hàng hóa thông qua các tuyến vận tải đi Mỹ tại cụm cảng CM-TV tăng mạnh. Dự báo trong tháng 5, con số này có thể tăng thêm 20-30%, do DN xuất khẩu tận dụng “cửa sổ thuế quan” kéo dài 90 ngày để đưa hàng sang Mỹ trước khi mức thuế mới có hiệu lực.
Đáp ứng xu thế này, các DN khai thác cảng tại cụm cảng CM-TV đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường năng lực vận hành, ưu tiên xử lý các lô hàng xuất sang Mỹ, nhằm đảm bảo thông quan nhanh và thông suốt. Hiện nay, cụm cảng CM-TV có 5 bến cảng đang khai thác 24 tuyến vận tải trực tiếp đến Mỹ, hoạt động 24/7. Các cảng chủ động tăng ca, mở rộng khu vực lưu trữ, đồng thời phối hợp với các đơn vị hải quan, kiểm dịch và cảng vụ để đảm bảo luồng hàng không bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cho biết, TCIT vận hành liên tục kể cả cuối tuần, ngày lễ. Ngoài ra, hệ thống cảng thuộc Tân Cảng Sài Gòn cũng linh hoạt kết nối các cảng vệ tinh để điều phối hàng hóa, giảm tải và tối ưu chi phí logistics cho khách hàng.
Không chỉ tăng công suất, các cảng còn rút ngắn thời gian giải phóng tàu để đảm bảo tốc độ quay vòng bến bãi. Ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc Cảng Gemalink cho biết, đơn vị đã mở rộng khu vực bãi lưu trữ và nâng cao năng suất xếp dỡ, giúp tiếp nhận thêm tàu trong thời gian cao điểm.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc Cảng SSIT, tình trạng kẹt cầu bến đã xuất hiện do lượng hàng tăng đột biến. Tuy nhiên, thực hiện cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các cảng, nếu một cảng bị quá tải, cảng khác có thể tiếp nhận tàu hỗ trợ, giúp giảm thời gian chờ và đảm bảo tiến độ xuất khẩu.
Đồng thời, việc áp dụng công nghệ số vào quy trình đăng ký, kiểm tra, bốc dỡ đang góp phần tự động hóa các khâu, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu suất vận hành.
Việt Nam đang tiếp tục đối thoại với Mỹ nhằm điều chỉnh mức thuế, nhưng kết quả vẫn chưa rõ ràng. Trong bối cảnh đó, việc tận dụng tối đa 90 ngày hoãn áp mức thuế mới đang là ưu tiên hàng đầu. Nhờ các biện pháp đồng bộ từ cảng biển, DN xuất khẩu đã rút ngắn đáng kể thời gian thông quan, giảm thiểu chi phí phát sinh và tăng tốc độ giao hàng.
Mở rộng tuyến hàng, khai phá thị trường mới
Các chuyên gia cho rằng chính sách thuế quan từ Mỹ và nhiều quốc gia đang thúc đẩy sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường lớn như châu Âu, nội Á, Nam Mỹ.
Một lợi thế khác là chi phí kho bãi tại Việt Nam chỉ bằng 40-50% so với các cảng lớn trong khu vực, tạo điều kiện để thu hút container rỗng từ đối tác quốc tế, duy trì công suất vận hành ngay cả khi thị trường xuất khẩu chưa hoàn toàn phục hồi.
Minh chứng cho hướng đi này, từ tháng 4/2025, Cảng Gemalink đã đưa vào khai thác thêm 4 tuyến dịch vụ mới kết nối đến châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil. Nhờ đó, tỷ trọng hàng hóa xuất sang Mỹ tại cảng này đã giảm từ 32% (năm 2024 và quý I/2025) xuống còn khoảng 20%.
Ngoài các tuyến quốc tế, thị trường nội Á cũng được nhiều DN logistics kỳ vọng lớn, bởi nhu cầu tiêu thụ cao và khả năng hấp thụ các đơn hàng bị dồn từ Mỹ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept, chủ đầu tư cảng Gemalink cho biết, DN đang làm việc chặt chẽ với các hãng tàu và khách hàng để thúc đẩy đơn hàng sớm, đồng thời tìm kiếm nhóm khách ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, các DN cảng biển và logistics tại Việt Nam không chỉ phản ứng nhanh với cơ hội ngắn hạn từ thị trường Mỹ, mà còn đang chủ động xây dựng chiến lược dài hạn. Đó là chủ động mở rộng thị trường, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ.
Việc mở rộng tuyến vận tải, khai phá thị trường mới và tối ưu hạ tầng khai thác sẽ là chìa khóa giúp DN duy trì đà tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN