Sau gần 4 tháng kể từ khi Cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (TCTT) và cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) chính thức liên kết mở cổng cảng chung đón tàu lớn, một hệ thống kết nối đồng bộ, cho phép tiếp nhận tàu lớn một cách hiệu quả đã được hình thành.
Tăng công suất khai thác
Đánh giá hiệu quả bước đầu về mô hình này, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết, trước đây mỗi cảng hoạt động độc lập, với chiều dài cầu bến là 600m, chỉ có thể đón được 1 tàu mẹ với chiều dài 367m, không thể đón cùng lúc 2 siêu tàu cỡ lớn. Với việc mở cổng chung, 2 cảng có thể cùng lúc đón 3 tàu lớn, giúp tăng thêm năng lực cho cảng từ 4-6 chuyến tàu mẹ/tuần.
Liên kết mở cổng cảng, đưa chiều dài bến tăng lên gấp đôi là 1.200m. Trong ảnh: Toàn cảnh 2 cảng CMIT và TCTT. |
Việc liên kết cổng giữa hai cảng còn giúp tối ưu hóa quy trình xử lý hàng hóa. Các hoạt động xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa giữa hai cảng được phối hợp nhịp nhàng hơn, giảm thiểu thời gian chờ đợi và chi phí logistics. Điều này không chỉ giúp các DN tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa.
Thượng tá Vũ Hồng Hùng, Giám đốc Cảng TCTT cũng cho rằng, ngoài các tàu khai thác hiện hữu mỗi cảng, từ khi hình thành bến chung công suất khai thác tăng từ 30-40%.
Đánh giá của các hãng tàu cho thấy, việc mở cổng chung liên kết giữa 2 cảng CMIT và TCTT đã mang lại lợi ích rõ ràng trong việc nâng cao hiệu quả vận tải, giúp giảm bớt tình trạng chờ đợi và tăng tốc quá trình xếp dỡ hàng hóa. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí vận tải mà còn cải thiện dòng chảy của hàng hóa, từ đó mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho hãng tàu và các đối tác trong chuỗi cung ứng.
Đồng thời, sự hợp tác mở cổng chung giúp CMIT, TCTT nói riêng và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải nói chung trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các tàu lớn và các đối tác thương mại toàn cầu. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương và khu vực.
Cần nhân rộng mô hình
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, với độ sâu trước bến 16,5m, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có lợi thế đón siêu tàu container. Tuy nhiên, trên thực tế cụm cảng này vẫn còn nhiều rào cản, nên chưa khai thác hết hiệu công suất. Nguyên nhân là do các cảng đều hạn chế về chiều dài, bình quân mỗi bến chưa đến 600m (trừ cảng Gemalink).
Thành công của mô hình mở cổng liên kết giữa 2 cảng TCTT và CMIT đã trở thành một điểm sáng trong việc phát triển hạ tầng cảng biển. Để tối ưu hóa lợi ích và phát triển bền vững, việc nhân rộng mô hình này tại khu vực Cái Mép - Thị Vải cần được thực hiện theo một chiến lược cụ thể và đồng bộ.
Theo các chuyên gia cảng biển, tỉnh cần tiến hành đánh giá toàn diện về hiện trạng cơ sở hạ tầng và hoạt động của các cảng biển trong khu vực Cái Mép - Thị Vải. Việc này bao gồm phân tích khả năng tiếp nhận tàu lớn, quy trình xếp dỡ hàng hóa, các điểm nghẽn trong hệ thống logistics hiện tại. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cần rà soát, lên danh sách các cảng biển có tiềm năng để áp dụng mô hình kết nối bến chung.
Trước mắt, ngoài TCTT và CMIT có thể tận dụng lợi thế của ba cảng liền kề là SSIT, TCTT và CMIT (tổng chiều dài các cầu cảng đạt 1,8km). Về lâu dài cần nghiên cứu, quy hoạch, đầu tư kết nối hệ thống cầu của các bến cảng SSIT, TCTT, CMIT và Gemalink.
Phát biểu tại sự kiện mở cổng kết nối bến chung vào ngày 25/4//2024, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc mở hàng rào cứng, phối hợp khai thác giữa cảng TCTT và CMIT là bước chạy đà quan trọng để tiến tới hình thành cơ chế quản lý, phối hợp khai thác chung giữa tất cả bến cảng trong khu vực Cái Mép - Thị Vải, đó là cơ chế cảng mở trong tương lai gần và định hướng khu thương mại tự do gắn với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
“Mục tiêu của tỉnh là phát triển một cơ chế cảng mở, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Tỉnh tiếp tục theo dõi và đánh giá hiệu quả của mô hình này, đồng thời điều chỉnh và mở rộng mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế và xu hướng phát triển của ngành cảng biển”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN