Tầm vóc cảng container nước sâu lớn nhất nước
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) phát triển mạnh mẽ, khẳng định tầm vóc của một cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống cảng biển thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ đón tàu quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại cảng TCIT. |
Nâng cao vị thế Bà Rịa- Vũng Tàu trên bản đồ hàng hải thế giới
Cảng TCIT là liên doanh giữa Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) cùng đối tác nước ngoài Mitsui O.S.K Lines (Nhật Bản), Hanjin (Hàn Quốc) và hãng tàu Wanhai Lines (Đài Loan).
Đi vào hoạt động từ năm 2011, TCIT đã từng bước khẳng định tầm quan trọng của mình trong hệ thống cảng biển cả nước. Nằm ở vị trí chiến lược tại ngã ba sông Thị Vải, TCIT có luồng tàu với độ sâu lý tưởng để đón tàu trọng tải lớn. TCIT kết nối trực tiếp với các KCN lớn tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, cảng liên kết với các cảng miền Trung và miền Bắc thông qua hệ thống tàu feeder, hình thành mạng lưới logistics toàn diện. Với mạng lưới dịch vụ quốc tế kết nối hơn 50 cảng biển chính trên toàn thế giới, TCIT đã trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng cho khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh cảng TCIT cho biết, 15 năm qua, TCIT thực hiện sứ mệnh kết nối hàng hóa Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới, trở thành điểm đến được các hãng tàu lớn tin tưởng lựa chọn. TCIT đã không ngừng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và nâng cao năng lực xử lý hàng hóa; là một trong những cảng có năng suất cao nhất khu vực, nâng cao năng lực khai thác từ 1,65 triệu TEU/năm (công suất thiết kế ban đầu) lên 2,2 triệu TEU/năm.
Nằm ở vị trí chiến lược tại ngã ba sông Thị Vải, TCIT có luồng tàu với độ sâu lý tưởng để đón các tàu trọng tải lớn. |
Trong các buổi làm việc với Ban quản lý cảng, lãnh đạo tỉnh đều khẳng định TCIT là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế cảng biển, một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Trong dịp đến dự lễ đón tàu quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại TCIT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: TCIT không chỉ là một trung tâm logistics hàng đầu mà còn là biểu tượng cho sự hợp tác hiệu quả giữa các DN trong nước và quốc tế. Thành công của TCIT là minh chứng cho sự đúng đắn trong chiến lược phát triển cảng biển của tỉnh, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Bà Rịa-Vũng Tàu trên bản đồ hàng hải thế giới.
“Thay mặt Đảng và Chính phủ, tôi ghi nhận nỗ lực của TCIT nói riêng và SNP nói chung trong việc phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới các giải pháp công nghệ xanh. TCIT đã đóng vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, tối ưu hóa hoạt động để không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường”, Thủ tướng khẳng định.
Xếp dỡ hàng container tại cảng TCIT. |
Tăng cường kết nối - mở rộng tương lai
Trong những năm gần đây, TCIT đã tập trung vào việc tăng cường kết nối với các tuyến đường bộ và đường thủy nội địa, tạo ra hệ thống vận tải liên hoàn, tối ưu hóa thời gian và chi phí cho các DN. TCIT cũng không ngừng mở rộng mạng lưới đối tác, hợp tác với các hãng tàu lớn trên thế giới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi và mở ra nhiều cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam kết nối toàn cầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao vị thế của TCIT mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cả nước.
Nói về chặng đường phát triển sắp tới, ông Trương Tấn Lộc, Chủ tịch HĐTV Cảng TCIT chia sẻ, những gì mà TCIT đạt được là kết quả sự chung sức, đồng lòng của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là sự hợp tác chặt chẽ và tin tưởng ủng hộ của khách hàng, hãng tàu, đối tác trong và ngoài nước.
15 năm, TCIT đón hơn 5.000 lượt tàu mẹ, xếp dỡ gần 19 triệu container thông qua, luôn là cảng có tuyến dịch vụ nhiều nhất tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải với lịch dài hạn từ 8-12 tuyến/tuần. Trong đó có các tuyến kết nối Việt Nam đến khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Nội Á, tăng trưởng trung bình về sản lượng đạt khoảng 19%/năm. TCIT luôn giữ vững vị trí đứng đầu khu vực Cái Mép-Thị Vải với thị phần lũy kế chiếm gần 50%, liên tục là cảng có sản lượng thông qua đứng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau cảng Tân Cảng - Cát Lái. |
“Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của các bên. Về phía cảng TCIT, chúng tôi cam kết tiếp tục nỗ lực mở rộng quy mô và năng lực khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường kết nối với các đối tác, hãng tàu và khách hàng để mang đến các dịch vụ đáng tin cậy nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội”, ông Lộc thông tin thêm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, TCIT cho rằng việc duy trì sự phát triển bền vững là yếu tố then chốt. Cảng đang hướng tới các giải pháp công nghệ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa quy trình quản lý để giảm thiểu tác động đến môi trường. TCIT cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tiếp tục đầu tư vào con người, nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN