Khơi thông tuyến vận tải thủy Đồng bằng sông Cửu Long - Cái Mép

Thứ Năm, 22/08/2024, 17:36 [GMT+7]
In bài này
.

Sự kết nối trực tiếp tuyến vận tải thủy giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Cái Mép sẽ giúp tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa từ các vùng sản xuất trọng điểm của ĐBSCL đến các thị trường quốc tế.

Tuyến vận tải thủy kết nối ĐBSCL với cảng nước sâu Cái Mép và Cát Lái qua kênh Quan Chánh Bố.
Tuyến vận tải thủy kết nối ĐBSCL với cảng nước sâu Cái Mép và Cát Lái qua kênh Quan Chánh Bố.

Rút ngắn thời gian, giảm chí phí

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay, việc kết nối các cảng khu vực TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL bằng phương thức vận tải thủy vẫn chưa phát huy được hết tiềm lực sông ngòi sẵn có. Thống kê cho thấy, gần 80% lượng hàng của vùng vẫn phải vận tải bằng đường bộ với chi phí trung bình tăng thêm từ 10-15USD/tấn, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, đặc biệt đối với các loại hàng hóa nông, thủy sản.

Tại cuộc họp Vụ Vận tải với các đơn vị liên quan và Công ty CP Gemadept Corporation vừa được tổ chức, nhiều ý kiến đề xuất giải pháp mở tuyến thủy nội địa nối Cần Thơ qua các tỉnh ĐBSCL đến khu cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu), qua Đồng Nai, vòng vào cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) và quay về Cần Thơ theo một chu trình khép kín. Tuyến mẫu đường thủy này sẽ giúp giảm thời gian và chi phí logistics, đồng thời giảm ùn tắc giao thông.

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, hiện có hai tuyến vận tải thủy kết nối từ cụm cảng Cần Thơ đến Cái Mép và Cát Lái, chủ yếu là đi theo tuyến sông Tiền - sông Vàm Nao với tổng chiều dài tuyến khoảng 367km; tuyến luồng sông Tiền - Chợ Lách - sông Mang Thít với chiều dài khoảng 235km. Chi phí vận chuyển vào khoảng 7 triệu đồng/TEU.

Trong khi đó, nếu vận chuyển theo tuyến đề xuất mới, kết nối khu vực ĐBSCL với Cái Mép - Thị Vải và cảng Cát Lái qua kênh Quan Chánh Bố thì chiều dài toàn tuyến được rút ngắn khoảng 200km. Chi phí vận chuyển theo tuyến này khoảng 3 triệu đồng/TEU. Ngoài việc giảm chi phí vận chuyển, giảm áp lực vận tải đường bộ, tuyến thủy nội địa mẫu này sẽ giúp giảm từ 60-70% chi phí logistics.

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng, đề xuất này phù hợp với chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối tỉnh với các vùng, khu vực và thế giới. ĐBSCL là vựa lúa và thủy sản lớn nhất cả nước với sản lượng xuất nhập khẩu chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Do đó, tuyến vận tải thủy Cái Mép - ĐBSCL đóng vai trò chiến lược trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các cảng biển, đặc biệt là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Vận tải thủy sẽ tiết giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.
Vận tải thủy sẽ tiết giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.

 Thiết kế tàu chuyên dụng chạy tuyến ĐBSCL - Cái Mép

Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GT-VT, Gemadept đã nghiên cứu khả thi tuyến mẫu kết nối ĐBSCL với khu vực cảng Cái Mép và Cát Lái khi đi vòng qua biển và qua kênh Quan Chánh Bố. Đồng thời, tìm kiếm các con tàu phù hợp chạy tuyến mẫu với độ sâu tim luồng có khu vực hạn chế từ 5,6-6,4m.

Do tuyến chạy ven biển nên để vận hành tuyến mẫu, Gemadept đề xuất Bộ GT-VT cho đóng mới tàu SB (tàu pha sông-biển, hoạt động được ở ven biển vừa vào được các sông nội địa). Hiện thị trường không có loại tàu cỡ nhỏ nào để vận chuyển hàng container, ngoài các tàu sông SI (được phép hoạt động ở các vùng nước, tuyến vận tải). Với các tàu chở hàng đa năng, hiện tại đều có cỡ tàu lớn, mớn nước lớn 6,5m và tàu biển hoạt động không hạn chế.

DN đề xuất thêm được thiết kế đóng sà lan SB với khả năng chuyên chở từ 200-300 container, có nắp hầm hàng nhẹ có thể trượt được, với chiều dài 99m, tốc độ 7-8 hải lý/giờ. Sà lan SB này sẽ chạy chuyên tuyến ĐBSCL/Cái Mép - Sài Gòn - Đồng Nai. Tàu có chân vịt mũi, không cần tàu lai, hoa tiêu theo tiêu chuẩn vận tải thủy nội địa.

“Dự kiến, tuyến mẫu sẽ chạy với tần suất 2 chuyến/tuần, nhằm hướng tới tạo thành buýt container. Trong quá trình thử nghiệm khoảng 1-2 năm, nếu tuyến hoạt động hiệu quả sẽ đóng thêm tàu để chạy”, ông Long thông tin thêm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, việc lập tuyến vận tải thủy từ ĐBSCL đến Cái Mép là cần thiết. Đây cũng chính là mong muốn để phát triển vận tải thủy nội địa, giảm tải cho đường bộ, và giảm giá thành vận tải, tạo thuận lợi cho các DN xuất nhập khẩu khu vực ĐBSCL.  

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 

;
.