Ngày 28/10, Cảng cạn Phú Mỹ đã chính thức được đưa vào hoạt động tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Công trình được kỳ vọng sẽ trở thành "cánh tay nối dài" của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV).
Nghi thức ký kết hợp tác giữa Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ và các đối tác tại buổi lễ công bố. |
Mắt xích quan trọng trong hệ thống cảng cạn Việt Nam
Ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư hạ tầng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) cho biết, ước tính tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu/trung chuyển nội địa hàng năm của các nhà máy trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 vào năm 2026 lên đến hơn 1 triệu TEU hàng container và 2,6 triệu tấn hàng tổng hợp. Riêng tại KCN đã có lượng hàng đạt gần 500.000 TEU/năm, nếu các nhà máy đi vào hoạt động hết công suất.
Do vậy, Cảng cạn Phú Mỹ sẽ là trung tâm hậu cần sau cảng nước sâu CM-TV, cung cấp các dịch vụ xếp dỡ, tập kết và phân phối hàng hóa, tiêu thụ hàng hóa, các cửa khẩu đường bộ, đường thủy để nâng cao hiệu quả kết nối mạng lưới vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.
Cảng cạn Phú Mỹ trở thành cảng cạn thứ ba tại phía Nam và đầu tiên tại Bà Rịa-Vũng Tàu được đưa vào hoạt động, là mắt xích quan trọng trong hệ thống cảng cạn của Việt Nam. Cảng có vị trí thuận lợi do nằm trong và gắn liền với KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, gần với các KCN, cụm công nghiệp trong khu vực. Đồng thời, với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, cảng sẽ góp phần giảm tải, hạn chế ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển trong tỉnh và khu vực TP.Hồ Chí Minh, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu của DN.
Theo ông Đinh Xuân Khánh, Giám đốc Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) nhận định, việc thành lập cảng cạn đầu tiên tại Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm nhấn trong thu hút hàng hóa, kho - bãi, làm hậu cần cho cụm cảng nước sâu CM-TV. Tính toán chi tiết cho thấy, phương thức vận chuyển bằng sà lan trên đường thủy, bên cạnh mang lại lợi ích cho môi trường, con người và xã hội, còn giảm tải đáng kể cho hệ thống giao thông đường bộ, giúp khách hàng tiết kiệm 15-20% tổng chi phí logistics.
Là đối tác của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, ông Bob Simpson Robert Jr, Giám đốc vận hành Ashton Furniture Consolidation bày tỏ, Cảng cạn Phú Mỹ đi vào vận hành với đầy đủ dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức bằng đường bộ và đường thủy cũng như hải quan tại chỗ. Điều này hỗ trợ hiệu quả cho DN trong việc luân chuyển hàng hóa giữa các nhà máy sản xuất và nhà cung cấp để chia tách, đóng gói, sau đó vận chuyển ra cảng biển để xuất khẩu đi toàn thế giới, đặc biệt là thị trường châu Mỹ.
“Đó là lý do chúng tôi chọn Cảng cạn Phú Mỹ và liên doanh giữa Thanh Bình Phú Mỹ và Medlog là Medlog Phú Mỹ ICD trở thành đối tác chính cung cấp dịch vụ logistics nội địa”, ông Bob Simpson Robert Jr cho hay.
Toàn cảnh Cảng cạn Phú Mỹ. |
Phát huy ưu thế cảng cạn
Dự và phát biểu tại buổi lễ công bố đưa Cảng cạn Phú Mỹ vào hoạt động, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu là cảng biển loại đặc biệt. Trong đó, cụm cảng CM-TV nằm ở cửa ngõ quốc gia, trung chuyển quốc tế, hội tụ đầy đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành trung tâm hàng hải, kinh tế biển tầm cỡ khu vực. Để phát triển hệ sinh thái dịch vụ hậu cần cảng tương xứng, cần có cảng cạn nhằm khai thác tối đa hiệu quả, lợi thế, cụm cảng CM-TV.
“Việc hình thành Cảng cạn Phú Mỹ với năng lực hàng hóa thông qua 300.000-400.000 TEU/năm là hết sức cần thiết. Đây sẽ là “cánh tay nối dài” của cụm cảng CM-TV và là tiền đề quan trọng tạo bước ngoặt cho sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong tương lai”, Phó Chủ tịch UBND nhấn mạnh.
Xếp dỡ hàng container tại Cảng cạn Phú Mỹ. |
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) khẳng định, Tổng cục Hải quan luôn ủng hộ và cam kết tạo điều kiện tối đa trong thẩm quyền và chức năng của mình để hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng cạn được thuận lợi, thông thoáng, hiệu quả cao. Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng kỳ vọng chủ đầu tư cảng là Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ sẽ làm cầu nối giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương, Trung ương.
Cảng cạn Phú Mỹ do Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ là chủ đầu tư. Cảng có diện tích 37,8ha, được quy hoạch theo phân khu chính như: khu bến thủy nội địa (chiều dài bến 581m); khu đất kho hàng (56.962m2); khu bãi (167.423m2). Tổng vốn đầu tư hơn 2.992 tỷ đồng. Cảng cạn Phú Mỹ cung cấp hệ sinh thái dịch vụ logistics đa phương thức, tích hợp, trọn gói với các dịch vụ cốt lõi như dịch vụ vận chuyển đa phương thức; dịch vụ xếp dỡ, đóng rút hàng hóa; kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; sửa chữa, vệ sinh và bảo dưỡng container; dịch vụ lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ logistics khác.
Cảng cạn Phú Mỹ đã ký kết hợp tác với các đối tác logistics hàng đầu như ký thỏa thuận mở depot container rỗng với hãng tàu MSC - hãng tàu số 1 thế giới hiện nay; thành lập liên doanh với Medlog - nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp trọn gói tại 70 quốc gia trên thế giới; hợp tác với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trong việc trung chuyển hàng hóa giữa KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 với các cảng biển, ICD và depot trong khu vực.
|
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hy vọng, với đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên nghiệp tận tâm, chu đáo, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ có thể góp phần hỗ trợ giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục pháp lý, tuyển dụng, dịch vụ logistics, dịch vụ hải quan tại chỗ. Từ đó, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và được các tập đoàn, hiệp hội và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đồng thời, cảng cũng là “cánh tay nối dài” của các cơ quan quản lý tại Trung ương, địa phương.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN