.

Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 dự án cảng cạn được ưu tiên đầu tư

Cập nhật: 00:29, 20/07/2023 (GMT+7)

Bộ GT-VT vừa trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xếp dỡ hàng container tại Cảng Hưng Thái, một trong những cảng cạn đầu tiên của tỉnh.
Xếp dỡ hàng container tại Cảng Hưng Thái, một trong những cảng cạn đầu tiên của tỉnh.

Theo đó, Bộ GT-VT đề xuất quy hoạch 101 cảng cạn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tại 19 hành lang vận tải ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Cụ thể, đến năm 2030, sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu).

10 dự án cảng cạn được Bộ GT-VT ưu tiên đầu tư gồm: Phù Đổng - Cổ Bi  (Hà Nội), Văn Lâm và Tân Lập (Hưng Yên), Sen Hồ (Bắc Giang), Tân Thanh (Lạng Sơn), Long Bình (TP.Hồ Chí Minh), Thái Hòa (Bình Dương), Mộc Bài (Tây Ninh), An Sơn (Bình Dương).

Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 dự án cảng cạn được Bộ GT-VT ưu tiên đầu tư gồm: Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ III) và Phước Hòa (KCN Cái Mép) thuộc cụm cảng Phú Mỹ - Phú Hòa.

Trong đó, đối với các cảng cạn của TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều cảng có nhu cầu vốn đầu tư lớn và năng lực thông qua cao. Cụ thể, nhu cầu vốn đầu tư của cảng cạn Long Bình khoảng 1.400-1.750 tỷ đồng với năng lực thông qua đạt 1-1,2 triệu TEU/năm. Cảng cạn Phú Mỹ- Phước Hòa có năng lực thông qua khoảng 300.000-400.000 TEU/năm với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 1.050-1.400 tỷ đồng.

Ước tính, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng 27.400-42.380 tỷ đồng.

Tin, ảnh: TRÀ NGÂN  

.
.
.