Cần cơ chế, chính sách đột phá
Hiện cụm cảng Cái Mép- Thị Vải (CM-TV) vẫn chưa khai thác hết lợi thế tự nhiên khi lượng hàng trung chuyển chỉ đạt 5% tổng lượng hàng container khai thác. Điều này đòi hỏi cần có đòn bẩy pháp lý và các cơ chế, chính sách mang tính đột phá để CM-TV phát triển và hướng tới mục tiêu thành cảng kết hợp trung chuyển quốc tế.
CM-TV có nhiều tiềm năng phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế. Trong ảnh: Tàu cập cảng xếp dỡ hàng hóa tại Cảng CMIT. |
Cảng bị chia cắt
Cụm cảng CM-TV chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển toàn quốc và 35% lượng hàng container cả nước, 50% lượng hàng container khu vực phía Nam. Tỷ lệ này chỉ đứng sau cảng Cát Lái của TP.Hồ Chí Minh. Đây là 1 trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 250.000 tấn, thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới. Điều này cho thấy CM-TV đủ sức để trở thành cảng trung chuyển quốc tế, thu hút các hãng tàu lớn và cạnh tranh với các cảng nước sâu khác trong khu vực, thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Huy, chuyên viên cao cấp của Tập đoàn Gemadept, dù được Chính phủ quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc gia, được đầu tư với quy mô đồng bộ, hiện đại, trang thiết bị xếp dỡ năng suất cao nhưng CM-TV hầu như chưa khai thác trung chuyển hàng hóa quốc tế, chỉ có hàng nhập khẩu và hàng quá cảnh cho Campuchia. Lượng hàng trung chuyển quốc tế tại CM-TV chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng thông qua hằng năm. Con số này quá nhỏ so với tiềm năng của một cụm cảng nước sâu hàng đầu khu vực.
Nhiều ý kiến cho rằng, điểm yếu lớn nhất của CM-TV hiện nay là cảng đang bị chia cắt, cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, chưa thật sự là cảng trung chuyển; thiếu một tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ; thiếu một hệ sinh thái logistics; thiếu một hệ thống giao thông kết nối liên vùng đa phương thức; chi phí logistics cao, thời gian thông quan kéo dài.
Ngoài ra, CM-TV cũng chưa thu hút được các hãng tàu, chưa được các hãng tàu lớn trên thế giới biết và xác định cụm cảng này là điểm trung chuyển trên bản đồ hàng hải thế giới. Hạn chế nữa là các cảng tại CM-TV vẫn bị các hãng tàu đánh giá là đang bị chia cắt, chưa tối ưu được chiều dài cầu bến, cầu cảng chưa gắn kết.
Thủ tục hành chính, hải quan cần thông thoáng
Theo các chuyên gia kinh tế, thế mạnh then chốt của CM-TV là thuộc nhóm cảng biển số 4, nơi thu hút các nhà đầu tư khai thác cảng và hãng tàu lớn. Thời gian quay vòng cảng thấp nhất trong ASEAN lại đa dạng tuyến, rút ngắn thời gian trực tiếp từ cảng khu vực CM-TV đi thẳng qua châu Âu. Vì vậy, cụm cảng có khả năng kết nối với các khu vực cảng các nước lân cận bằng đường thủy và đường bộ rất thuận tiện.
Đồng thời, cơ hội chuyển tải qua hệ thống cảng CM-TV từ Campuchia tiếp tục được kỳ vọng tới đây sẽ tăng trưởng do sức chứa hạn chế của cảng Sihanoukville và Phnom Penh, buộc các hãng tàu chuyển qua các cảng biển tại Việt Nam. Việc hoàn thiện đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy và đường bộ giữa 2 quốc gia sẽ tối đa hóa khả năng vận chuyển hàng hóa giữa Campuchia và cụm cảng phía Nam để xuất nhập khẩu. Đến năm 2030, lượng hàng hóa trung chuyển riêng từ thị trường Campuchia qua hệ thống cảng tại khu vực phía Nam ước đạt khoảng 0,4 triệu TEU.
Để hiện thực hóa tiềm năng khai thác lượng hàng trung chuyển từ Campuchia nói riêng và quốc tế nói chung, đòi hỏi cụm cảng CM-TV cần gia tăng khả năng cạnh tranh so với các cảng quốc tế lớn mạnh khác ở khu vực Đông Nam Á như cảng Singapore, cảng Tanjung Priok của Indonesia và cảng Tanjung Pelapas của Malaysia.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), để CM-TV phát triển và hướng tới mục tiêu thành cảng kết hợp trung chuyển quốc tế, cần có đòn bẩy pháp lý và các cơ chế, chính sách mang tính đột phá. Đó là, cần tăng cường hệ thống hạ tầng kết nối cảng biển, xây dựng trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung, tuyến luồng giao thông đường thủy nội địa cần được quy hoạch đồng bộ với quy hoạch tuyến luồng giao thông quốc tế, nạo vét, duy tu tuyến luồng vào các cảng thủy nội địa.
Cùng đó, cần dỡ bỏ các rào cản về chính sách, thủ tục thuận lợi cho hàng hóa trung chuyển tại cụm cảng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông quan hàng hóa, đơn giản thủ tục, giảm thời gian, chi phí thông quan.
Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) cũng cho rằng, các bến cảng tại CM-TV hiện nay có chiều dài cầu bến còn hạn chế. Để phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế, CM-TV cần phát triển thêm quy mô bến cảng và các yếu tố kỹ thuật hạ tầng. Đồng thời, các cơ chế, chính sách về thủ tục hành chính, hải quan cũng cần thông thoáng hơn.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN