Kỳ 1: Khai thác hiệu quả tài nguyên biển
Thời gian qua, Bà Rịa- Vũng Tàu luôn bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng hiệu quả những thế mạnh vượt trội của mình để phát triển mạnh kinh tế biển.
Để phát huy lợi thế cảng biển, tỉnh đã đầu tư xây dựng 15 KCN, thu hút nhiều dự án có công nghệ hiện đại. Trong ảnh: Một góc dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam. Ảnh: CTV |
Nhiều lợi thế
Được ví là “cửa ngõ” hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ, sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, BR-VT thành một cực tăng trưởng quan trọng của cả vùng Đông Nam Bộ, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Tỉnh hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển…
Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đánh giá BR-VT là địa phương ven biển tiêu biểu trong số 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam. Đó là vùng biển BR-VT nằm trên đường hàng hải quốc tế; có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng về ngành nghề, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước; khai thác, chế biến hải sản, du lịch biển - đảo, phát triển công nghiệp ven biển; có hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng cao và nhanh trong khu vực Đông Nam Á.
Tại hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 diễn ra tại Hà Nội giữa tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận, ngoài cảng biển, dầu khí, BR-VT còn rất nhiều cơ hội phát triển năng lượng, logistics… “Những năm qua, BR-VT phát triển rất mạnh mẽ, tuy nhiên dư địa của tỉnh còn rất lớn, từ vị trí địa lý đến vai trò của tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, vị trí địa lý và các tiềm năng, lợi thế tự nhiên của Bà Rịa - Vũng Tàu được sự hỗ trợ của vùng Đông Nam Bộ, nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam... Các yếu tố này chính là nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng và bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.
Trong vùng Đông Nam Bộ, BR-VT là địa phương duy nhất có bờ biển dài với bãi cát thoải, sạch, nước trong đủ điều kiện phát triển du lịch chất lượng cao. Tỉnh cũng có nhiều khu vực có cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong lành, ngoài ra còn có các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc... Quần đảo Côn Đảo vừa là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng, biển, một trong những khu Ramsa được thế giới công nhận và đánh giá cao. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh BR-VT ngày càng được nâng cao, đồng bộ cả về chất lượng và số lượng.
Đặc biệt BR-VT là điểm cuối của dải ven biển từ miền Trung trở vào có thể phát triển du lịch biển; cộng thêm vị trí địa lý liền kề với các trung tâm kinh tế, tập trung đông đúc dân cư của vùng Đông Nam Bộ, với thị trường hơn 18 triệu dân có thu nhập cao gấp 1,5 lần mức bình quân đầu người của cả nước, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh... “Các yếu tố trên, đã hội tụ đủ điều kiện để BR-VT trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận”, ông Nguyễn Văn Thọ thông tin.
Toàn cảnh Cái Mép - Thị Vải nhìn từ Cảng Gemalink. Ảnh: Thanh Nga |
Khai thác hiệu quả tiềm năng
Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, với những chủ trương, chính sách, chiến lược cụ thể, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên biển để phát triển nền kinh tế biển mạnh và bền vững, thời gian qua BR-VT đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy và tận dụng có hiệu quả những thế mạnh vượt trội của địa phương. Đồng thời tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối hệ thống cảng biển với các quốc lộ, đưa tỉnh trở thành trung tâm cảng biển lớn của khu vực và quốc tế.
Những năm qua, tỉnh đã thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giai đoạn 2021-2025 để hoàn tất tuyến đường ven biển, giải quyết điểm nghẽn trong kết nối, hình thành hành lang kinh tế biển liên hoàn, toàn diện giữa BR-VT với các tỉnh, thành khác trong vùng, cả nước và quốc tế. Đến nay, BR-VT được xếp vào nhóm địa phương có hạ tầng giao thông đường bộ khang trang, đồng bộ nhất nước, hoàn thành khung kết cấu giao thông, góp phần tạo sức bật cho phát triển kinh tế biển. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đa phương tiện, đồng bộ, kết nối với hệ thống giao thông biển như: Cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu, đường Vành đai 4- TP Hồ Chí Minh, cầu Phước An, sân bay Côn Đảo...
Đặc biệt, thời gian qua BR-VT luôn quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển, cũng như tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế sẵn có để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, góp phần đưa kinh tế biển của tỉnh lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Theo đó, tỉnh đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến nay, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn, trọng tải đến 194.000 DWT…
Ngoài ra, để tận dụng và phát huy tối đa lợi thế về cảng biển, tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống 15 KCN gắn với cảng biển với tổng diện tích khoảng 8.510ha. Các KCN đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa cao như nhà máy sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp hóa dầu miền Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn với vốn đầu tư 4,5 tỷ USD…
Ngành thủy sản phát triển bền vững
Nhờ khai thác tốt lợi thế chiều dài 305km bờ biển và sự đầu tư phát triển đúng hướng ngành thủy sản, BR-VT đã trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước với sản lượng hải sản khai thác gần 350 ngàn tấn/năm. Tỉnh cũng từng bước khai thác, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chuyển dịch cơ cấu nghề cá theo hướng khai thác xa bờ, phát triển nuôi thâm canh và nâng cao chất lượng chế biến hải sản xuất khẩu; tập trung triển khai thực hiện cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại tàu thuyền theo hướng giảm theo quy hoạch; quản lý chặt chẽ việc đóng mới, cải hoán tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch được giao… Định hướng đến năm 2030, tỉnh duy trì 5.000 tàu khai thác thủy sản, sản lượng 325 ngàn tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD/năm.
|
(Còn nữa)
NHÓM PV KINH TẾ