.

"Xanh hóa" cảng biển

Cập nhật: 20:06, 16/12/2022 (GMT+7)

Hoạt động cảng biển đang tăng trưởng mạnh nhưng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm còn hạn chế. Vì vậy, việc “xanh hóa” cảng biển đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam.

Cảng TCIT đã và đang xây dựng, khai thác cảng biển theo mô hình “xanh hóa”.
Cảng TCIT đã và đang xây dựng, khai thác cảng biển theo mô hình “xanh hóa”.

Chủ động thực hiện cảng xanh

Ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Cảng Gemalink cho biết, với mục tiêu xây dựng theo mô hình cảng xanh hiện đại và thông minh, Gemalink đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như: dàn siêu cẩu bờ 8 chiếc STS của Hàn Quốc với chiều cao 92m, nặng hơn 1.700 tấn, sức vươn 70m, có thể nâng cùng lúc 2 container loại 20 feet hoặc hàng rời và hàng dự án trọng tải lên đến 85 tấn; dàn 24 cẩu E-RTG của Thụy Điển sử dụng 100% điện lưới, được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát linh hoạt và cabin điều khiển thông minh cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng CATOS hiện đại.

Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) cũng đã được nhận giải thưởng “Cảng xanh 2020” do Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC (APSN) trao tặng. Giải thưởng này là ghi nhận của Cộng đồng Cảng APEC về những nỗ lực của cảng trong phát triển và bảo vệ môi trường bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh Cảng TCIT cho biết, ngay từ những ngày đầu hoạt động, TCIT không ngừng nâng cao năng suất giải phóng tàu, không những giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian nằm chờ tại cảng mà còn giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Trong quá trình hoạt động TCIT luôn đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, TCIT đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hoạt động bằng điện như cẩu bờ, cẩu bãi, giúp giảm thiểu lượng khí thải CO2 thay vì thiết bị hoạt động bằng dầu diesel.

Tại Việt Nam, phát triển mô hình cảng xanh sẽ được thí điểm từ năm 2023 trước khi nhân rộng, áp dụng tiêu chí bắt buộc sau năm 2030. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng CMIT.
Tại Việt Nam, phát triển mô hình cảng xanh sẽ được thí điểm từ năm 2023 trước khi nhân rộng, áp dụng tiêu chí bắt buộc sau năm 2030. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng CMIT.

Trên thực tế, một số cảng đã có những bước chuẩn bị, chủ động thực hiện cảng xanh, logistics xanh như áp dụng các biện pháp nhằm giảm tiếng ồn, giảm bụi trong không khí, các yếu tố bức xạ và trồng cây dọc các tuyến đường nội bộ nhằm tạo cảnh quan cho cảng, đồng thời cải thiện môi trường không khí xung quanh. Các cảng cũng đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải, thu gom, tái chế và xử lý rác thải rắn, rác thải độc hại; giảm thiểu sử dụng nhựa một lần; thay thế, sử dụng bóng đèn LED trên toàn bộ hệ thống cẩu bờ, cẩu bãi; phát triển hệ thống lọc sóng để bảo đảm hệ thống điện lưới ổn định, tận dụng nguồn điện dư thừa từ cẩu bờ làm năng lượng sử dụng cho văn phòng, bãi container và hệ thống điện bãi.

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Quyết định số 710/QĐ-CHHVN về kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam. Theo đó, Đề án khuyến khích các DN cảng chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu.

Đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải xanh, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép và triển khai đề án phát triển cảng xanh.

Các tiêu chí căn cứ vào tiêu chuẩn cảng xanh của khối APEC và có thêm một số điểm phù hợp với Việt Nam như: sử dụng năng lượng là nhiên liệu sạch như LNG, hydro, sử dụng thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Việc ban hành tiêu chuẩn được kỳ vọng sẽ tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, về “xanh hóa” cảng biển, các DN còn gặp khó khăn do việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển còn hạn chế, đòi hỏi chi phí lớn. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để DN tiếp cận được những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng; cò cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường.    

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, nhằm góp phần tích cực trong xây dựng cảng biển xanh, Sở TN-MT tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát nguồn thải; phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ DN thực hiện tiến trình phát triển “cảng xanh”; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển. Bên cạnh đó, sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo Bộ GT-VT, sau năm 2023, Bộ sẽ thực hiện thí điểm mô hình cảng xanh. Bộ đã giao Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN thực hiện tiến trình phát triển cảng xanh; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển.
Giai đoạn 2025-2030, Bộ sẽ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh. Công tác triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh ở Việt Nam, tiến tới đề xuất xây dựng, ban hành quy định áp dụng bắt buộc tiêu chí cảng xanh cho hệ thống cảng biển Việt Nam. Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.